Thursday, May 19, 2016

I Love My Dog!


*HOÀI-CẨM Lê văn Hưng




Kính tặng anh Lê Bá Bích.Truyện nầy được ra đời là do sự gợi ý của anh.
Cali tháng 6, 2001


Ông Văn buông viết xuống đưa tay dụi mắt, vươn vai. Ông nghĩ trong bụng không hiểu tại sao lúc nầy mình mau bị mệt quá! Lúc trước sức-khỏe đâu có đến nổi tệ như vậy. Có lẽ tại tuổi tác đã cao, mà công việc thì lại đa-đoan, bận-rộn! Từ lúc chiều đến giờ, sau khi rời văn-phòng nha-sĩ về đến nhà là ông Văn bắt tay vào mớ giấy tờ, sổ sách nầy ngay. Không kịp uống một hớp nước. Nói như vậy không có nghĩa là không có thì giờ, mà vì ông muốn giải-quyết cho xong nội tối hôm nay một ít vấn-đề của văn-phòng và của một số cơ-sở đầu tư, trong đó có mười mấy tiệm làm móng tay và hai tiệm vàng, để kịp thanh-toán lương bổng của nhân-viên dưới quyền. Đã gần hết tuần rồi còn gì. Ồ, tối nay lại phải liên-lạc với đằng Tổng Lãnh-Sự xem chính-phủ Việt-Nam có nhận cho dạy ở Đại-Học Nha-Khoa Hà-Nội vào năm tới hay không, để còn sắp-xếp chương-trình khác nếu không được chấp-thuận.

Thói đời đã có tiền thì lại muốn có tiếng. Tiền thì không biết bao nhiêu là đủ, nhưng ở xã-hội Mỹ được như gia-đình ông kể ra cũng không đến nổi tệ. Cho nên ông Văn bèn nghĩ đến cách xin một chổ dạy học ở Việt-Nam, tuy không có bao-nhiêu tiền, nhưng dù sao thì cũng được tiếng là giáo-sư Đại-Học. Chứ ở Mỹ thì ai cho dạy? Tư-cách nào? Lo cho xong ngần ấy thứ là đủ hết giờ! Ước gì một ngày có 30 tiếng. Thật đúng là:

Cái vòng danh-lợi cong cong,
Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.

Vì những chuyện như thế mà từ lâu nay ông ít có thì giờ gần-gủi với vợ con và bà cụ, mẹ của ông.

Hai đứa con của ông không biết lúc nầy học hành ra sao! Có lẽ không đến nỗi nào, vì nếu có vấn-đề gì thì cậu sinh-viên dạy kèm mà ông đã mướn với số lương khá hậu-hỉ đã cho ông hay rồi. Cậu ta vừa dạy kèm vừa làm vú em sắp nhỏ, vừa làm mật báo viên để cho ông biết chúng nó có dùng xì-ke, ma-túy, có lo học hành không trong khi ông bận làm giàu. Sợ lũ trẻ rổi-rãnh quá rồi sinh ra đàn-đúm với lũ bạn xấu, ông bèn ghi tên cho chúng học nhạc, học võ, học kèm Toán, Lý Hóa ... để choán cho hết thì giờ trong ngày. Thằng lớn đã 15 tuổi. Lúc trước nó có đua đòi bạn bè chút đỉnh, trốn học đến nổi nhà trường phải gửi giấy về mời ông lên họp. Bây giờ thì đỡ rồi. Mọi việc ông giao khoán cho cậu sinh-viên hết. Kể ra cậu làm việc cũng khá sốt-sắng và có lương-tâm. Ông mừng đã chọn được người tốt và đáng tin-cẩn.

Một mình ông làm đủ rồi. Ông muốn vợ con ông có một đời sống sung-sướng để không thua ai. Do đó ông không cho bà phải vất-vả đi làm, dù là làm ở phòng mạch của ông giống như các tay bác-sĩ  bạn bè của ông vẫn hay làm. Đi làm như thế không tiết-kiệm được bao nhiêu mà còn làm cho bà ấy cực thêm. Tội! Hơn nữa bà cũng cần có mặt ở nhà để chăm-sóc lũ trẻ. Và một điều quan-trọng không kém là hai vợ chồng không thể nào làm chung một chỗ được. 8 tiếng đồng-hồ đi làm, tuy cực về thể-xác nhưng là 8 tiếng quí-báu để cho hai tai được nghĩ-ngơi. Ông chắc mẵm là những đấng nam tử khác cũng không chống-đối quan-niệm nầy của ông, nếu không muốn nói là "đồng thuận". Chẳng thà cứ mướn một cô thư-ký. Nhưng ông rất khắc-khe trong việc chọn thư-ký văn-phòng. Dĩ-nhiên khả-năng làm việc là cần-thiết, nhưng nhan-sắc không thể thiếu được. Nhiều người cho rằng ông hảo ngọt. Không biết! Nhưng tính của ông nó như vậy. Có tiền để làm gì? Phải sống cho ra sống chứ, để bỏ những ngày bần-hàn ngày xưa! Nhắc đến hai chữ "ngày xưa"  ông lại càng cố-gắng làm cho có thật nhiều tiền, vì khi ông mới qua Mỹ năm 75, chưa lấy lại bằng nha-sĩ, hai vợ chồng ông phải đi làm trong khu thịt cá của một siêu-thị, hai tay lúc nào cũng nhúng trong nước đá lạnh cóng. Làm một ngày 10 tiếng đồng-hồ, tối về thở không ra hơi. Bây giờ mệt thì có mệt, nhưng mình làm chủ lấy mình và làm ra được nhiều tiền. Thì giờ ông dành cho công việc làm ăn, kinh-doanh nhiều hơn ở nhà, có khi vì bận-rộn ông quên cả gọi điện-thoại về cho vợ con.
Còn bà cụ tám mươi mấy tuổi, không biết làm sao để chăm-sóc đây!

Tuổi già nhiều khi lẩm-cẩm, thành ra lắm hôm bà hết cằn-nhằn mấy đứa nhỏ ăn uống không chịu dọn-dẹp, lại giận hờn người lớn đi đâu đi suốt ngày, bỏ bà ở nhà một mình. ở tù mà còn sướng hơn. Bà hay cự-nự, "Tau muốn về Việt-Nam ở, thiếu gì người lo cho tau, ở đây làm cái gì cũng bị cấm-cản". Vợ của ông thì không quen làm dâu. Bà chưa học xong Trung-Học là ông đã cưới về ở riêng. Lúc ấy trong nhà có người giúp việc, đâu có phải làm gì động đến móng tay, cho nên bà chỉ quen với đời sống được người khác hầu-hạ thôi, chứ chưa hề biết phục-dịch ai bao giờ. Phần ông, đã "tự-giác" không sử-dụng cái quyền của người chủ gia-đình sau "vụ việc" ông "ăn chè" với cô thư-ký. Cũng vì cái tội dùng thư-ký trẻ đẹp. Lần đó phải "đi đoong" mấy triệu cho cô ta qua Hawaii sinh nở và làm vốn nên mới êm đó chứ! Giọt máu rơi được mang họ mẹ, và ông không được tới lui thăm viếng. Nhiều khi ông thấy lương-tâm cắn-rứt chút đỉnh, nhưng rồi cũng qua đi mau chóng. Hơn nữa đây cũng không phải là đứa con ngoại hôn duy nhất từ trước đến nay. Những lúc ngồi tĩnh-tâm suy-nghĩ, tận đáy lòng ông cảm thấy mình quá giả-dối. Dối Phật, dối Sư, dối Thần, dối Thánh và dối cả mình nữa. Trong thùng Phước Sương của các Chùa, phần tiền của gia-đình ông đóng góp lúc nào cũng có "kí-lô" hơn những thí-chủ khác. Trên các danh-sách cúng-dường xây chùa, tên vợ chồng của ông bao giờ cũng đứng đầu bảng. Nhìn các biểu-hiện ấy, tuy không nói ra nhưng những Phật tử khác chắc hẳn sẽ tấm-tắt tán-thán, "Công-dức thật vô-lượng!"  Nhưng ông Văn biết rằng nếu có ai lập một danh-sách về những thành-tích xâm-phạm tiết-hạnh, phá-hại gia-cang người khác, con rơi con rớt, phá thai ... thì chắc-chắn cái "phương danh" của ông cũng sẽ có vinh-dự được liệt-kê đầu-tiên!

Từ đó trở đi, hễ mở miệng là mắc quai. Vợ ông được đàng chân lân đàng đầu, và kết-quả ngày hôm nay người nắm quyền quyết-định trong gia-đình là "má bầy trẻ" . Có lúc bà vợ nói hỗn ông cũng không dám mở miệng để bênh mẹ của mình! Riết rồi ông bị kẹt ở chính giữa.  "Lưỡng đầu thọ địch!"   Bầu không-khí trong gia-đình giống như một lò lửa cháy ngầm, không biết bùng lên lúc nào.

Ở tuổi của bà cụ, nhiều khi không kiểm-soát được tiêu, tiểu. Những lúc không chạy vào phòng tắm kịp, bà tiểu cả ra quần! Căn phòng của bà hôi-hám không chịu được. Lại thêm một đề-tài cho vợ của ông càm-ràm. Đã có lúc vợ ông đưa ra ý-kiến đem bà cụ vào viện dưỡng lão, nhưng lúc đó ông gạt đi. Không phải vì ông sợ bà cụ cô-đơn hay buồn-bã trong viện, mà vì ông sợ miệng đời dị-nghị là có con là nha-sĩ, nhà cao cửa rộng mà mẹ phải vào ở viện dưỡng lão. Ông lại không muốn mướn người đến nhà chăm-sóc cho cụ. Biết họ là ai. Không thể tin được bọn đó. Có ngày nó dám dọn hết nhà đi mất. Bây giờ sau khi suy đi nghĩ lại, ông Văn thấy chỉ có giải-pháp Viện dưỡng lão theo ý "bà nhà nó"  là ổn nhất.

Tới lúc nầy, người đem việc đưa bà cụ vào viện dưỡng lão ra thảo-luận lại là ông. Nghe tới đó, bà Văn hứ một tiếng kèm theo một cái nguýt dài có đuôi, chứ không thèm trả lời, khác nào ngụ-ý, "Tôi đã bảo với ông rồi chứ phải chưa đâu!"  rồi ngoay-ngoảy bỏ vào phòng trong. Ông Văn nhìn theo, bực-dọc, định to tiếng, nhưng chợt cơn giận tan mất. Ở tuổi 45 bà trông vẫn còn tươi mát chán. Vẫn còn bắt mắt lắm! Nhìn bà ai cũng nghĩ chỉ mới ngoài 37, 38 thôi, nhất là sau khi đi giải-phẩu thẩm-mỹ để "rebuilt toàn-bộ máy-móc"  hồi năm ngoái. Giỏi sao mà giỏi thế!! Tài sử-dụng dao kéo của mấy ông bác-sĩ thẩm-mỹ quả là tuyệt! Cứ như là chiếc đũa thần ấy! Thẻo bên nầy một dao, xén bên kia một kéo là đẹp lên ngay. Thật đáng đồng tiền bát gạo! Ông Văn nuốt nước bọt đánh ực một cái, rồi tự nhủ, Thôi, để thư-thả hẳn nói chuyện sau, có vợ trẻ đẹp thì phải chịu vậy.

Ông lớn hơn bà 10 tuổi, lại thêm làm việc nhiều nên khoảng cách tuổi tác giữa hai người cứ càng ngày lại càng chênh-lệch. Người ta khuyên ông nên nhuộm tóc, cắt mí mắt, căng da mặt để cho xứng với bà, nhưng ông không nghe. Đàn ông mà làm như vậy thì có vẻ "đồng bóng" quá! Có lần đi ra ngoài, một người đàn bà chào bà Văn, "Chị khỏe không? Lúc nầy trông chị trẻ đẹp hẳn ra, có bí-quyết gì chỉ cho em với". Và bất chợt bà ấy quay qua thấy ông nên luống-cuống xin lỗi, "Ồ, cháu xin chào Bác. Mãi lo nói chuyện với chỉ nên cháu không trông thấy Bác. Dạo nầy Bác khỏe không?"
*   *
*

Mọi việc chưa đâu vào đâu thì lại có chuyện bực-dọc xãy đến. Kẻ thối mồm lắm chuyện nào đó loan tin rằng trên đầu ông vừa mới nhú lên hai cái sừng be-bé! Thế có tức điên người lên không cơ chứ? Vợ ông chính-chuyên như vậy mà chúng nó dám bôi tro, trát trấu người ta. Ý hẳn thấy gia-đình người ta hạnh-phúc rồi đâm ra ganh-tị chăng? Mà cứ cho là bà Văn ngoại-tình đi, thì ngoại-tình với ai? Tiền bạc ông không để bà thiếu-thốn, nhà lầu xe hơi có đủ, mà là xe Infiniti đắt tiền chứ phải vừa đâu. Ông cũng không đến nỗi xấu trai, chỉ phải cái tội lùn và hơi trọng tuổi một chút thôi. Còn cái đầu hói thì đâu có thành vấn-đề. Trông lại càng thông-minh chứ sao. Như vậy mới ra vẻ Nha-sĩ, bệnh-nhân mới tin. Học nhiều quá nó mới thế. Bà muốn sửa sắc đẹp là ông cho sửa ngay. Như vậy còn đòi gì nữa? Suốt ngày bà chỉ ở nhà với lũ con thôi thì ngoại-tình với ai? Bây giờ ông mới thú thật, một trong những lý-do khiến ông để bà ở nhà là vì ông muốn tránh không cho bà tiếp-xúc với những người đàn ông khác nhiều quá. Xã-hội chạy đua theo vật-chất nầy ghê quá. Mất vợ như chơi! Cái bọn ngồi lê đôi mách gian mà không ngoan! Chúng nói mà không biết suy-nghĩ!

À, nhưng mà ... không lẽ ... nó chỉ đáng tuổi em cháu thôi mà ... Ối trời ơi! Có lẽ nào ... Thế thì chết thật! Đúng là nuôi ong tay áo! Ông Văn lầm-thầm, mồ-hôi vả ra trên trán.

Ông vò đầu bứt tai, mặc dù trên đỉnh không còn bao nhiêu tóc nữa. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng! Tiền ơi là tiền! Lâu nay vì lo làm ăn quá mà mất vợ lúc nào không hay, trong khi bàng dân thiên-hạ đồn rùm-beng lên cả rồi. Thảo nào lúc sau nầy mấy thằng bạn bác-sĩ, nha-sĩ ít khi nhận lời mời tới ăn tiệc ở nhà. Tụi nó cứ viện lý nầy, lẽ nọ để thoái-thác hoài chứ không như lúc trước! Hết "tại" đến "bị". Và thảo nào lúc sau nầy bà cũng chẳng thèm gọi lên văn-phòng mỗi khi ông quên không gọi về nhà, và bà cũng không thắc-mắc, than-phiền về việc ông lợi-dụng lý-do làm ăn để cứ quên nhiệm-vụ mãi. Bà cứ mặc, ông muốn đi lúc nào thì đi, muốn về lúc nào thì về. Lúc trước thì không thế. Đi đâu cũng phải "trình" cho bà biết. Khi nào nhiệm-vụ thấy hơi lơi một chút là bà cằn-nhằn lập-tức, ông chạy trời cũng không khỏi nắng. Mỗi lần như vậy là bà lại lên lớp dạy cho ông bài Quốc-Văn Giáo-khoa Thư "Vui Xuân không quên nhiệm-vụ"  ngay. May mà nhờ mấy viên thần dược màu xanh-xanh dễ thương chứ không thì ông đã "bỏ mạng sa-tràng" từ lâu rồi. Thank God! Và cũng cám-ơn các Khoa-Học gia đã cho ra đời thuốc Siêu Sinh-Lực Viagra. Viagra Vạn-Tuế!

Ông chạy ra xe, mở cửa, đứng thừ ra suy-nghĩ xong lại đóng cửa xe đi vào. Trông ông như người mất hồn. Cô thư-ký nhìn lo-ngại nhưng không dám hỏi.

Ngay ngày hôm đó, ông "lay-off" cậu sinh-viên cấp-kỳ. Không cần cho biết lý-do. Mà lý-do gì bây giờ? Nói ra thêm xấu-hổ.

Cuộc đời chó má thật! Càng nghĩ ông càng muốn văng tục!

Nhưng nói như vậy thì tội cho con chó Fox của ông đang quấn-quít bên chân. Loài chó xem vậy chứ trung-thành ra phết. Ông đi đâu nó cũng chạy theo, đến cả trong bửa ăn giấc ngủ. Ban đêm nó nằm cuộn mình ngủ bên cạnh. Chẳng thà chơi với chó, với mèo mà hơn! Ông vất cho con chó một miếng lòng heo mà ông đang ăn dở như để thưởng cho lòng trung-thành của con vật. Nó ve-vẫy cái đuôi củn-cởn một cách mừng rỡ. Cháo lòng là món ông khoái khẩu, thế mà bửa nay ông cũng nuốt không vô. Tự-nhiên cảm thấy no ngang! Ông lầm-bầm trong miệng, "Lòng nào rồi cũng chán-ngán hết!"

Tối về ông Văn vất cái cặp Samsonite lên trên bàn rồi bỏ vào phòng đóng cửa lại.

*   *
*

Cả tháng nay không ai nói với ai một lời. Lũ trẻ thấy thế ăn xong cũng lo "lĩnh" vào phòng  riêng của chúng, hoặc tìm cách ra khỏi nhà cho an-toàn tính-mạng. Sau khi cậu sinh-viên bị nghĩ việc, chúng cảm thấy không khác nào được giải-phóng, vì chúng có dư thì giờ để chơi games, để lên internet và chat với bạn bè, nói chuyện trên phone với bạn trai, bạn gái mà không bị ai theo dõi, cấm đoán như trước.

Ông Văn cố tìm cách gặp hai đứa để khuyên bảo chúng lo học-hành, nhưng chúng cứ luôn-luôn lẫn-tránh cha. Có khi cả tháng cha con không hề thấy mặt nhau!

Cuối năm học đó thằng con lớn bị ở lại lớp. Nó nổi giận, bỏ học và đi xin một chân giúp việc trong cửa tiệm Target. Có lần ông vào đó mua vài món lặt-vặt, thấy thằng nhỏ tuy bận đồng-phục của tiệm một cách nghiêm-chỉnh, nhưng đầu tóc rối bời, cà-vạt thì xốc-xếch, áo T-shirt thì lòi-thòi nửa trong nửa ngoài, mặt mày mồ-hôi mồ kê nhễ-nhại chạy lăng-xăng làm việc theo lịnh của manager. Một lần khác ông thấy nó mặt mày đỏ ké, oằn lưng đẩy một dãy shopping carts của Target dưới trời nắng chang-chang. Còn con bé thì tập-tành hút thuốc, xâu lỗ mũi, nhuộm tóc xanh đỏ và cặp-kè với một thằng nhóc da đen học trên nó một lớp. Loạn hơn nữa, nó còn bỏ đi hai, ba tuần không về nhà là chuyện thường. Chuyện gì tới phải tới, vài tháng sau nó bò về nhà báo với mẹ là đã mang bầu với thằng đó đã 2 tháng rồi. Chúng nó không có tiền để sống, và bị gia-đình thằng nhóc đó xua đuổi ra khỏi nhà. Giận, thất-vọng, xấu-hổ ... bà Văn nói không thành tiếng! Mãi một hồi lâu sau bà mới m ở miệng được và phán vỏn-vẹn có một chữ chắc nịch mà vẻ mặt thì lạnh như tiền, "Phá! "

Vậy là hết! Ông bà ta thường nói, "Cha làm thầy, con bán sách"  thế mà đúng.

Bà Văn lúc nầy cũng vắng nhà thường xuyên hơn. Có hôm ông Văn ghé về thấy chỉ có một mình bà mẹ già ở nhà. Ông hỏi bà đã ăn uống gì chưa, thì có khi bà bảo là đã lục cơm nguội ăn rồi, có khi bà bảo trong nhà chẳng có gì để có thể ăn được. Ông đi xem thử, thì quả đúng như thế: tủ lạnh trống trơn!
*    *
*

Sau khi nói chuyện với cô cán-sự xã-hội, và mất nhiều ngày để hoàn-tất thủ-tục giấy tờ, ông Văn thu-xếp quần áo cần-thiết của mẹ vào một valise rồi chở bà tới viện dưỡng-lão.

Hai người được mời vào văn-phòng để điền mấy tờ đơn và để y-tá trắc-nghiệm xem bà cụ có còn minh-mẫn hay không. Cô y-tá hỏi bà có biết đây là đâu, ngày mấy, mấy giờ ... bà đều trả lời rất rành-mạch. Đến khi hỏi bà có biết Tổng-Thống Mỹ hiện nay là ai không, thì bà gắt nhặng lên, "Hỏi gì mà hỏi lắm thế. Bộ không biết ông Lin-Tông (Clinton) hay sao mà hỏi!" Sau khi được nghe dịch lại, cô y-tá đưa mắt nhìn ông Văn, gật-gù, mĩm cười hóm-hĩnh, "That's wonderful. You have very good memory!"

Theo chân cô y-tá, ông Văn đưa bà tới phòng 2A mà từ nay sẽ là nơi cư-trú của bà cụ. Bà phải "share" phòng với 2 người nữa. Khi bước vào phòng bà đưa tay chào hai bà già người Mỹ và hỏi bằng tiếng Việt một cách rất ư là thoải-mái, "Hai bà ở đây lâu chưa?  Ở đây coi bộ buồn quá". Hai người Mỹ tuy không hiểu nhưng thấy bà có vẻ thân-thiện nên vui-vẻ đáp lễ, "Hi, how are you today? Welcome aboard!"  Giang-sơn của bà chỉ vỏn-vẹn có mấy thước vuông đủ để một cái giường và một cái bàn đêm nhỏ. Ông Văn để chiếc valise vào góc phòng, dưới chân chiếc bàn nhỏ, rồi ngồi ghé vào mép giường, bên cạnh mẹ.

Ở với bà cụ hai tiếng đồng hồ để bà làm quen với chỗ ở mới, ông Văn ra về. Bà đưa tay nắm lấy cánh tay ông Văn có vẻ lo-sợ vì biết là sắp phải ở lại một mình nơi chốn xa-lạ nầy. Ông Văn vỗ-về để bà mẹ già yên-tâm. Dầu vậy, bà vẫn chống gậy dò-dẫm đi theo ông Văn ra tận cửa, hi-vọng "ông con" sẽ thay đổi ý-kiến vào phút chót, nhưng người con nhẹ-nhàng mà cương-quyết gỡ tay bà ra và vỗ-vỗ lên vai bảo, "Khi nào rãnh con sẽ vào thăm mẹ, đừng lo."  Cô y-tá chịu trách-nhiệm đi theo xa-xa để canh chừng bà cụ.

Ông ẳm con chó Fox ra chỗ đậu xe, vừa đi vừa tưng-tiu vuốt-ve nó, không để ý bà mẹ của mình đang đứng tựa cửa nhìn theo một cách buồn rầu, tuyệt-vọng. Đặt con chó một cách trịnh-trọng lên nệm ghế ở băng trước, lúc sắp đóng cửa xe, ông mới khoát tay ra dấu cho bà đi vào. Bà miễn-cưỡng quay đi mà hai mắt nhòa lệ! Cô y-tá đi nhanh đến và sử dụng tối-đa loại ngôn-ngữ phổ-thông của loài người, đó là hai tay và vẻ mặt lẫn điệu-bộ để giải-thích cho bà biết là cô muốn giúp bà lão đi về phòng. Không biết bà có hiểu hay không mà chỉ thấy bà gục-gặt, miệng cười như mếu mà tay cầm gậy thì cứ quơ-quơ chỉ về phía chiếc xe của con mình ở ngoài sân.

Ông Văn rồ ga cho xe chạy ra cổng. Một đám bụi nhỏ bay tung lên đằng sau xe. Trên nền đen bóng-loáng như nước của chiếc Mercedes qua màn bụi mỏng, một cái sticker màu trắng có in hình một cái đầu chó với hàng chữ "I Love My Dog!" nổi bật lên một cách kiêu-hãnh như để kiên-định lập-trường chơi với thú-vật của chủ-nhân chiếc xe sang-trọng ấy với mọi người xung-quanh.
*   *
*

Tính đến hôm nay bà cụ đã ở tại viện dưỡng-lão được 3 ngày rồi. Dần-dần bà cũng quen với thời-khóa biểu và nếp sống mới tại đây. Như bây-giờ, bà biết rằng sau khi rửa mặt, súc miệng và ăn sáng, các ông bà cụ sẽ được đưa sang phòng khách để xem TV.

Phòng khá rộng, chung-quanh có nhiều cửa sổ trông ra khu vườn có cây lá rậm-rạp ngoài kia. Vì không biết tiếng nên bà chọn ngồi ủ-rủ ở một góc phòng gần cửa sổ, trong khi các cụ khác thì đang vừa say mê xem TV hoặc đánh bài vừa nói chuyện ồn-ào. Có những ông cụ tay chân tuy đã run-rẩy nhưng không thích làm bạn với các người cùng phái, mà lại vẫn cầm "ba-toong" cà-rà tới các bà để móm-mém trò chuyện. Không hiểu thế-gian nầy sẽ ra sao nếu không có đàn bà? Có thể sẽ đau khổ hơn. Mà cũng có thể sẽ tốt đẹp hơn không chừng. Mấy cụ ông nói gì đó mà mấy cụ bà phá lên cười ngặt-nghẽo, cười đến gập cả người trên mấy cây gậy. Có lẽ là một câu chuyện có duyên vì thấy các cụ ông cũng cười tủm-tỉm có vẻ tự-đắc lắm.

Bà lơ-đãng nhìn chung quanh thấy mọi người vui-vẻ mà cảm thấy mình cô-độc vô-cùng. Hình ảnh một bà già Á-Đông, rõi (1) răng đen, tóc búi củ hành, sống lủi-thủi trong một viện dưỡng lão, giữa những người không cùng chủng-tộc, trông thật tội-nghiệp làm sao! Bỗng bà giật mình vì nghe thấy có người chào hỏi mình bằng tiếng Việt, giọng miền Trung. Bà quay nhanh lại và không khỏi vui mừng vì biết là từ nay bà sẽ có người nói cùng ngôn-ngữ để tâm-sự. Thật là một điều quí-hóa vô-cùng!

Từ đó, hai bà cụ già trở thành như bóng với hình. Hai người thường ngồi sánh vai nhau bên khung cửa sổ, vì đó là một vị-trí thuận-tiện. Từ đó họ có thể xem những ông bà cụ sinh-hoạt trong phòng, đồng-thời có thể nhìn ra khu vườn gần cổng chính để chờ ông Văn, may ra, đến thăm.

Mỗi lần quan-sát trong phòng chán, hai bà lại nhìn ngắm quang-cảnh bên ngoài cửa sổ. Nhiều khi cả hai cùng ngồi im-lặng hồi lâu, không ai nói với ai một tiếng, vì mỗi người, lúc đó, đang còn bận suy-nghĩ về tâm-sự của riêng mình. Và nếu có nói chuyện thì câu chuyện mỗi ngày thường được bà cụ người Quảng-Nam bắt đầu bằng câu hỏi, "Ngoài mình, bà ở chỗ mô?"   Bà hơi lẩm-cẩm, không nhớ là đã hỏi câu nầy không biết bao nhiêu lần rồi, và cứ nghĩ ai cũng là người cùng quê với mình. Sau đó, bà lại kể đến những kỹ-niệm thời còn trẻ của bà tại miền quê ấy. Ngày nào cũng chừng ấy chuyện đời xưa cứ được bà lặp đi lặp lại hoài mà không biết chán. Trí nhớ của những người già về một dĩ-vãng xa-xưa thì thật vô-địch, nhưng nếu ai có hỏi họ về một sự việc gì mới xãy ra tuần trước hay ngày hôm qua thì họ cứ đem râu ông nọ cắm cho cằm bà kia mãi. Một ngọn cỏ bên hàng rào, một bông hoa cạnh lối đi, một tiếng chim kêu buổi sớm ... cũng đủ làm bà chạnh lòng nghĩ đến chốn quê-hương nghèo khổ cày lên sỏi đá của bà. Nhiều khi có người tự hỏi không biết nơi chốn thôn-ổ quê mùa ấy có điều gì hấp-dẫn mà bà cụ phải say mê đến thế.

Trời hôm nay trong xanh đến lạ-lùng. Bà cụ người Quảng đưa tay run-run chỉ cho bà bạn của mình thấy. Gió hiu-hiu làm lay-động các tàng cây. Một bông hoa màu vàng tươi, bị gió thổi, đập nhè-nhẹ vào khung kính. Vài cánh bướm chập-chờn bay lượn vẩn-vơ trong cơn nắng sớm ngoài kia. Bà cụ Quảng-Nam thấy tim mình đập dồn-dập hẳn lên, vì mường-tượng đã trông thấy những chi-tiết nầy ở đâu rồi thì phải. Ừ, sao trông quen thuộc quá! Cảnh-vật mờ-ảo như trong một cơn mơ ... Đôi mắt bà mơ-màng ... quên cả nói chuyện và quên cả bà bạn già đang kiên-nhẫn ngồi bên cạnh!

Qua hình ảnh bầu trời màu xanh, những cánh bướm chập-chờn, bông hoa vàng óng-ả, gió thổi dìu-dịu, màu nắng dòn rụm ngạt-ngào, bà chợt trông thấy một cô gái miền Trung tóc xõa ngang vai, hàm răng hạt huyền cắn chỉ, đôi mắt e-ấp sau vành nón lá.

Sau lưng cô gái, bà nhìn thấy giòng sông Thu-Bồn lặng-lờ chảy, nhưng tại khúc nầy bà biết người ta lại gọi là sông Trừng Giang. Nước sông trong mát, có thể nhìn thấy những con cá nhỏ bơi lội tung-tăng dưới đáy.

Bên kia sông, ẩn-hiện sau bờ cây xanh, là Gò-Nổi, là Đông-Bàn, quê-hương của anh-hùng Phạm Phú Quốc, của Ngài Thượng-Thư Phạm Phú Thứ. Quê ngoại của cô đó. Mẹ của cô qua làm dâu làng Kỳ-Lam bên nầy sông.

Dường như bà cụ còn nghe tiếng còi vang lên lồng-lộng trong gió chiều khi những chuyến xe lửa về tới ga Kỳ-Lam, khói phun lên cuồn-cuộn.

Những đêm sáng trăng, sau một ngày đi coi gặt, cô gái thường cùng các chị em của mình và những người giúp việc xuống tắm khuya duới bến sông. Từ bầu trời trong vắt của một đêm trăng thanh-bình của miền Trung, ánh sáng tuôn rải xuống giòng sông tạo thành những lượn sóng lấp-lánh xô-đẩy nhau chạy mãi về bờ bên kia. Giòng sông lúc đó trông có vẻ bao-la hơn, choáng ngợp hơn.

Những buổi sáng, khi ánh nắng mai tràn ngập trên những khu vườn, những cánh đồng, và chiếu xuyên qua những tàu dừa, tàu cau tạo nên một màu xanh trong như ngọc thạch, lòng cô gái cảm thấy xôn-xao như màu nắng. Lòng cô cũng rộn-ràng theo những con bướm cải màu vàng bay lượn chấp-chới trên luống cải đã lên ngồng hay những vồng thuốc lá mà cậu em út của cô đã trồng.

Bà cụ thấy dường như đâu đây có mùi đất ẩm nồng-nàn, mùi cỏ ngai-ngái và hương cau vương-vất trong gió.
Sau nầy, khi đã lấy chồng và có con rồi, mà vẫn có thời-kỳ cô và các con sống cùng với ông bà ngoại của chúng. Quả đúng như câu nói, "Tam đại đồng đường," của người xưa.

Cũng cái nắng như thế nầy, cũng con bướm vàng bay lẩn-quẩn như vậy, cũng ngọn gió đùa nhè-nhẹ ... mà bà không ngờ đã mấy chục năm qua rồi. Mau quá! Ai có thể nghĩ được người con gái thời thanh-xuân ở xã Kỳ-Châu của vùng quê miền Trung ngày đó mà lại là bà cụ già hom-hem đang sống đơn-độc tại một viện dưỡng-lão trên đất Mỹ ngày hôm nay. Phải, bà cụ chính là người thiếu-nữ  ấy của mấy chục năm về trước. Mọi việc đã thay đổi hết! Không còn như xưa nữa! Ngày nào cha mẹ con cái còn sống chung với nhau, và được người đời cho là có Phước, thì bây giờ quan-niệm đó có lẽ đã lỗi-thời rồi chăng? Lúc trẻ bà thường nghe ông ngoại sắp nhỏ hay ngâm-nga và giảng-giải,

Tiền bất kiến cổ-nhân,
Hậu bất kiến lai giả,
Niệm thiên địa chi du-du,
Độc sảng nhiên nhi thế há. (2)

Bây giờ thân-phận của bà quả đúng như thế thật! Bất-giác bà đưa tay lên gạt giọt nước mắt mới lăn dài xuống má.

Nãy giờ bà cụ, mẹ của ông Văn, cũng ngồi yên-lặng. Đến khi thấy bà bạn người Quảng-Nam của mình khóc thì bà không đừng được nữa nên đưa tay vỗ-vỗ vào lưng của bà ấy và an-ủi, "Thôi, bà cũng đừng buồn quá!" mặc dầu không biết bạn mình buồn về chuyện chi.

Vừa lúc đó, có tiếng cô y-tá gọi tên hai bà và đưa vào phòng ăn trưa.

Chống gậy đi theo cô y-tá mà bà cụ người Trung cảm thấy hơi ngầy-ngật, có lẽ vì bà vừa mới bị đánh thức dậy từ một giấc mộng đẹp.

Còn bà mẹ của ông Văn thì vừa đi vừa lẩm-bẩm, "Thằng Văn đi đâu mất biệt mấy tuần nay không thấy mặt? Không biết nó có lo cho mấy đứa nhỏ ăn uống đầy đủ không nữa ? Nhà cứ bỏ đi suốt, không lo khóa cửa, để ăn trộm vô dọn mất có ngày!"

Vậy đó. Bà mẹ Việt-Nam đó. Lo cho con cái cho đến ngày xuống lỗ mà vẫn còn lo, dù rằng con cái đã có vợ có chồng hết cả rồi. Không biết con cái Việt-Nam ngày nay có lo được cho cha mẹ, dù chỉ một phần ngàn như thế, hay không?






(Tất-cả nhân-vật và tình-tiết trong truyện đều là sản-phẩm của tưởng-tượng.)



(1) nhuộm.
(2) Người xưa trước chẳng thấy đâu,
Trông lui bóng dáng người sau mịt-mùng,
Ngẫm xem trời đất vô-cùng,
Một mình đau-xót đôi giòng lệ rơi.

(Bản dịch của Giáo-sư Nguyễn-Khuê)

Monday, November 23, 2015

Làm Sao Mà Quên Được

Làm Sao Mà Quên Được
(HOÀI CẨM Lê văn Hưng)




Nov. 21, 2015
(Tất cả những biến cố trong truyện nầy hoàn toàn dựa trên sự thật, ngay cả tên một số nhân vật, vì những cá nhân đó đã chôn xác nơi rừng sâu xứ người mà thân nhân không biết nơi nào để cải táng, hoặc  đã, đang bị tù đày.  Tác giả chỉ lồng một ít hư cấu vào câu chuyện tình của nhân vật Dung.  Dung cũng là tên khác của một nhân vật có thật.   Xin ai đó hãy dừng tay lại, đừng sống trên xương máu của đồng bào mình nữa.)

Dung quay đầu nhìn bãi đất rộng trước mắt.   Mọi người đi lại tấp nập.  Tiếng kêu nhau ơi ới.  Những lời chúc tụng, những câu dặn dò vang lên không ngớt.  Bao bị và ba-lô nằm ngổn ngang trên mặt đất.  Những con người và những mái lều tạm làm bằng những tấm plastic xanh, cùng với đồ đoàn lỉnh kỉnh chen chúc nhau dưới ánh nắng gay gắt của mé rừng thưa dưới chân rặng núi Dongrak.  Bây giờ thời tiết đã vào mùa khô của năm 1982.  Ánh nắng lấp loáng trên cảnh vật trông đến nhức mắt.  Hơi nóng khô khan ngùn ngụt bay lên từ mặt đất đỏ nứt nẻ.  Nhìn về phía xa, cảnh vật lung linh huyền ảo như trong cơn say.  Khí hậu đầu hè nơi biên địa nầy đã làm cho cây cỏ phải trơ trụi, vàng khô.  Ngay đến đất đá cũng không còn một giọt nước để mà đổ mồ hôi.  Ở hướng trại về phía sau kia, vài cụm khói xám vẫn còn vươn lên, uốn éo một cách mệt nhọc vào không gian xanh ngát không một cụm mây.  Hậu quả  cuộc pháo kích của Việt Cộng vào trại đêm qua. 
Trại đã bị đánh vỡ.  Dân chúng lại gánh gồng, lại bồng bế nhau chạy giặc.  Giống như những mùa khô trước!  Đó là một chu kỳ tự nhiên ở chốn biên giới nầy.   Nó cứ thế lặp đi lặp lại mãi.  Mọi người, từ lãnh đạo kháng chiến đến người dân, mặc nhiên xem đó là một sinh hoạt ắt có của đời sống họ.  Đã chấp nhận tới đây là chấp nhận chạy giặc, là chấp nhận chết chóc, mất mát.  Thế thôi.  Không một ai bận lòng đưa ra câu hỏi, "Tại sao?"  Vì một khi vẫn còn quân kháng chiến chống lại chính phủ Nam-Vang thì nhà cầm quyền nầy, với sự giúp sức của Việt Cộng, vẫn còn truy quét những lực lượng đối kháng.  Dân chúng cư ngụ trong vùng nầy vẫn cứ phải đeo mang một kiếp sống đọa đày hết năm này sang năm khác.  Trẻ con sinh ra trên những cánh rừng cằn cỗi, sống lê la không tương lai.  Còn nói gì đến giáo dục. Cực khổ nhất luôn luôn là mùa khô, vì xe tăng chỉ có thể đánh tới biên giới khi đất đã cứng.  Chỉ tội cho dân tị-nạn Việt-Nam, trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết!  Có ai ngờ sống trong chiến tranh bao nhiêu năm trong đất nước mình, đến khi bỏ nước ra đi lại phải tiếp tục chạy giặc mỗi mùa khô.  
Trên con đường độc đạo chạy dài từ trại vào "tà-nụp" (Bờ đê), mấy chiếc xe buýt đang sắp hàng nối đuôi nhau, quay đầu về phía  đất Thái.  Nhân viên ICRC bận rộn tíu tít làm nhiệm vụ săn sóc sức khoẻ cho dân tị-nạn chạy giặc, đồng thời  điều hành để đưa người lên xe buýt. 
"Ông già Nê" đang dùng loa cầm tay, nhắn nhủ bà con ở lại.  Âm thanh của tiếng loa hòa lẫn vào tiếng ồn ào của dân chúng, tiếng kêu khóc của trẻ con tạo nên một bầu không khí nôn nao, náo nhiệt.  Hôm nay, giữa cơn chạy giặc, số phận dân chúng không biết sẽ về đâu, thì ông già Nê, vị trưởng trại đáng kính người Khmer Krom, nguyên là một Trung Tá của Quân Lực VNCH, mà mọi người đã tự động thăng chức cho ông và thân mật gọi là Colonel, đã cùng lăn lóc với bà con tị nạn trong nhiều năm qua, được đi định cư cùng với một số nhỏ dân trong trại.  Dung là một trong những người may mắn đó!
Những cảm xúc trong Dung thật phức tạp.  Mừng vui, bùi ngùi lẫn lộn.  Cuối cùng thì ngày này, một ngày mà người dân tị-nạn nào cũng mong chờ mòn mõi sau bao năm, đã đến với Dung.  Nhưng nàng cũng không khỏi ngăn được xúc động khi phải bỏ lại đàng sau bao nhiêu bạn bè đã chia ngọt xẻ bùi trên bước đường tị-nạn.  Dù sao thì những năm tháng sống  lầm than cùng với bạn bè nơi biên giới nầy cũng đã là một phần đời của nàng.  Hơn nữa, còn một mối tình miễn cưỡng bỏ lại sau lưng.
- "Làm sao mà quên được,
đời qua vút như tên,
Dăm ba hạnh phúc ngắn,
sao quên được mà quên ..."

Dung nhìn về hướng trại.   Trại đã bị cháy rụi.  Chỉ còn những hoang tàn và mất mát. Những mái tranh xiêu vẹo, nghiêng ngã, bốc khói.  Nhưng trong tâm tưởng, Dung vẫn còn thấy những khúc phim của một thời đã sống nơi đây.  Như mới ngày hôm qua đây thôi ...

o O o

... Danh đang nằm trên chiếc võng làm bằng bao đựng gạo của UNBRO.  Anh vừa mới qua cơn sốt rét rừng.   Đầu còn váng vất, mắt còn chao đảo.  Miệng lưỡi đắng chát.  Từ trên võng, Danh nhìn xuống Hưng đang ăn cơm với muối hột, rồi quay qua Dung bảo:
- Trông thấy anh Hưng ăn cơm ngon lành quá mà mình ăn không nổi.
Dung vỗ về:
- Thì anh ráng ăn miếng cháo em mới nấu cho lại sức đã.
Danh không trả lời, nhắm mắt lại, vẻ mệt mõi, lắc đầu ngao ngán.
Dung cố nén tiếng thở dài.  Chờ cho Danh nằm nghỉ, Dung rón rén lấy ít gạo, bỏ vào bao ni-lông và lén đi ra "xầng-cách" (làng của người Miên) xin đổi lấy vài bọc đường cát nhỏ bằng nửa bàn tay.  Hi vọng Danh sẽ ăn được cháo với số đường này.  Ở trong tù Nong-Chan C3, không phải dễ dàng đi lại bên ngoài được, nhưng vì Dung phụ trách nấu cơm cho tù Việt-Nam nên có phần thoải mái hơn.  Hơn nữa, bọn lính "Đờ Bê" (An-ninh) đã biết mặt nàng nên cũng ngó lơ để nàng đi lại.   Trong đêm đầu tiên vừa từ bìa rừng Dung được áp tải vào C3 lúc 2 giờ sáng.  Chưa kịp hoàn hồn, chưa kịp hỏi han bạn tù để tìm hiểu về đời sống trong trại như thế nào thì tên lính gác tù đã mở cửa, rọi đèn pin quanh nhà giam tìm kiếm.  Sau lưng hắn, lố nhố một bọn Miên mình mẫy xăm vằn vện.  Trong đó có tên trưởng "Đờ Bê".  Y đảo mắt một vòng rồi giơ tay chỉ vào Dung, và ra hiệu bảo nàng đi:
- À ni! (Con nầy)
Dung luống cuống còn chưa biết ất giáp gì, thì bọn lính ào tới xốc nách nàng đi.  Có vài tiếng thì thào của mấy người đàn bà bên cạnh căn dặn:
- Cẩn thận nghe cô!
Linh tính báo cho nàng biết có việc chẳng lành!
Ra tới ngoài, trong đêm rừng tối đen, muỗi bay như một đàn ong, đìều duy nhất Dung còn nhớ là tiếng lách cách của bọn lính Miên khóa cửa tù lại!  Màn đêm đã tối, lại càng như đen thêm như thể đồng lõa với đám bất lương mọi rợ.
..........
5 giờ sáng.  Vùng biên giới còn đang ngái ngủ.  Chim chóc còn yên ấm trong tổ.  Sương đêm rơi đẩm ướt lá cây rừng.  Gió rừng chốc chốc lại thổi vi vút qua những thân cây trồng cách nhau nửa gang tay để làm vách nhà tù.
Dung được thả về. Đi không nổi.  Bọn lính xốc nàng vào tù.  Vừa qua cánh cửa là nàng quị xuống, gương mặt tái xanh,  những sợi tóc dính bê bết, chằng chịt trên trán.  Mấy người đàn bà chạy tới dìu Dung vào góc tối.  Một vệt máu tươi kéo dài từ cửa vào tới chỗ Dung nằm,  chiếc "xà rông" xốc xếch!
Số phận của Dung cũng là số phận của những cô gái tới sau.  Niềm đau của những cây quế Việt-Nam đã bị những tên Mán tên Mường leo trèo làm trò mua vui!  Ôi, thân phận của người dân vong quốc sau 30 tháng 4, 1975!   Nếu không có cái ngày oan khiên ấy, những người phụ nữ như Dung đã hưởng một cuộc sống yên vui dưới mái gia đình,  chớ có đâu phải dãi dầu mưa gió.  Vì theo lối chiết tự của chữ Hán, chữ An (yên ổn) được kết hợp bởi bộ Miên nằm phía trên, tượng trưng cho mái nhà, che chở cho người đàn bà, tượng trưng bằng chữ Nữ bên dưới.  Theo quan niệm của người xưa, một khi người nữ xa rời mái gia đình thì sẽ khó có được bình yên.  Thế mà giờ đây người phụ nữ Việt-Nam lại phải băng rừng, lội suối, trèo non như thế nầy!


Khi thức dậy, không thấy Dung đâu, Danh mới nói với Hưng:
- Chắc em không sống nổi nếu cứ tiếp tục ở đây.   Sốt gì mà sốt 2, 3 cử mỗi tháng như thế này.  Em chờ MT vào là em xin đi.  Tuy biết bỏ Dung lại là không phải, nhưng anh biểu em phải làm sao bây giờ.  Anh Hưng biết không, trước khi đi, ở Châu-Đốc, em  hứa với Dung là sẽ cùng đi định cư chung với nhau.  Nhưng không ngờ tới đây tình trạng lại khó khăn như thế nầy.  Cả nửa năm rồi, Hồng Thập Tự bị tụi Miên không cho vào thăm tị-nạn.  Thuốc sốt rét để trị bịnh cho tị-nạn Việt-Nam thì Miên lấy hết để cho lính kháng chiến của chúng nó.  Anh mới vào chưa bị bịnh như tụi em ở đây lâu, nên chưa nãn chí.
Hưng rán khuyên nhủ Danh:
- Danh phải suy nghĩ cho thật kỹ trước khi quyết định.  Mình vượt biên đến đây là kể như đi được nửa đoạn đường rồi,  hãy cố gắng thêm một tí.  Mục đích mình vượt biên là để ra nước ngoài, sau nầy giúp đỡ gia đình, chứ đâu phải đi kháng chiến.  Nếu muốn đi kháng chiến, thì cần gì phải lặn lội tới đây làm gì,  mình có thể tìm đường dây ngay tại trong nước.  Không phải là mình không yêu nước, nhưng mình có thể giúp đất nước bằng nhiều cách.  Hơn nữa, Danh đã hứa hẹn với Dung rồi, bỏ cổ lại một mình trong trại thì tội nghiệp quá!  Cổ nặng tình với ông lắm đó!
Danh nhắm mắt im lặng, không nói gì.
Hưng đành xây qua Hào hỏi có muốn uống nước không.
Hào cũng bịnh tiêu chảy cả tuần nay mà không có thuốc, vì như Danh đã nói, thuốc men đã bị bọn Miên tịch thu hết để lo cho quân lính.  Hào cao lêu nghêu, bây giờ lại bị bịnh nên trông thật thảm não.  Cặp mắt lờ đờ, làn môi nứt nẻ hơi khép để lộ hàm răng đã bị mất 2 cái răng cửa làm cho gương mặt của Hào thiếu hẳn sinh khí.  Đuối sức quá, Hào mặc kệ cho số phận, chẳng buồn  đi kiếm nước rửa ráy.  Anh ta cứ nằm dài dưới đất, hai ống quần dài màu xanh lợt bị phân đen chảy dài xuống,  ruồi nhặng bu đầy.  Hôi không chịu được.
Hào vào tù trước Hưng, cùng thời với anh Bích chị 10 và cháu Sơn của Hưng, nhưng anh chị của Hưng vì có cháu nhỏ nên được ra bịnh viện lớn trước, rồi vào trại NW 82.  Khi NW 82 đóng cửa, tị nạn Việt-Nam được đi định cư hết.  Riêng Hào thì bị kẹt lại trong tù C3 cho tới bây giờ.
Trước đó, Hào có cho Hưng biết ba của Hào đang ở Mỹ.  Có liên lạc nhưng không hiểu sao không thấy giấy tờ bảo lãnh.  Lâu ngày Hào xuống tinh thần, tuyệt vọng vô cùng.
Vài hôm sau,  anh em tù Việt-Nam đang đi đào giếng thì lính Miên ra lịnh trở về trại ngay lập tức.  Anh em nhìn nhau lo sợ, không biết chuyện gì sẽ xãy ra. 
Khi về tới cổng trại, tù Việt-Nam không được vào tù C3 ngay, mà lại được đưa tới một căn nhà khác.  Trong đó thấy có đâu 3 hay 4 người Việt-Nam với một ít sách và tài liệu.  Anh em được lịnh ngồi xổm thành hàng 3 dưới đất, chờ nghe mấy người Việt-Nam nói chuyện.
Một người đeo kính trắng, dáng dấp hơi thấp, bận áo trắng quần tây tự giới thiệu:
- Xin chào các anh em.  Tôi là Đại Úy Lộc, làm việc trong  Tổ chức XYZ...
Tiếp theo  ông ta nói sơ về tình hình đất nước, cộng sản, thế giới, và về tổ chức của ông  được chủ tịch M. lãnh đạo.  Trong khi nói ông ta cho chuyền tay một số tài liệu và hình ảnh sinh hoạt trong chiến khu của tổ chức.  Rồi kêu gọi anh em tham gia để giải phóng đất nước. 
Ông ta còn nhấn mạnh rằng các anh em không tham gia tổ chức bây giờ thì cũng phải tham gia sau nầy, vì anh em không có cơ hội đi định cư đâu.  Tổ chức XYZ của chúng tôi đã can thiệp với chính quyền Thái-Lan để giữ tị-nạn tại đây rồi!
Nghe tới đó, một số anh em rúng động bèn ghi tên tham gia.  Danh và Hào ở trong số đó.  Để anh em "lên tinh thần", ông Lộc còn nói những anh em ghi tên sẽ được phát mỗi người 300 bahts để "liên hoan" trước khi lên đường. 
Nói xong, ông ta quay qua Hưng hỏi:
- Còn em thì sao?
Hưng ấp úng :
- Em cần thời gian để suy nghĩ đã.
Và ông bảo số anh em còn lại hãy về suy nghĩ và cho ông biết khi ông trở lại sau để đón tân binh.
Mọi người về tới trại,  Dung khóc nức nở sau khi biết Danh quyết định đi kháng chiến:
- Anh nói anh thương tui, hứa sẽ đi định cư chung với nhau, vậy mà bây giờ anh nỡ lòng nào bỏ tui ở lại đây!!
Quả thật, những người ghi tên được phát tiền như đã hứa.  Mấy anh em lấy đậu xanh nấu chè để khao những bạn tù còn ở lại.  Nấu chè đậu xanh vì ở trong tù thì "đậu xanh làm chuẩn"  giống như khi xưa ở Quân trường Thủ Đức thì "cá mối làm chuẩn".
Một tuần sau, gần tối, có một chiếc xe truck của Miên chạy vào trại, đậu trước văn phòng hành chánh.  Nhân viên văn phòng của Miên chạy tới tù đọc tên những người được chuyển ra bịnh viện lớn.  Dung và mấy người đàn bà, trẻ con  nằm trong danh sách.   Trước khi đi, Dung dặn dò Danh đủ điều và năn nĩ anh đừng đi Phục Quốc.  Danh đành ư hữ cho Dung yên tâm.  Hào cũng được đi vì bị bịnh nặng.  Anh bận nguyên cái quần dính đầy phân leo lên xe, vẫy tay chào bạn tù còn ở lại.
Sau nầy mới biết, trong khi ở Bịnh viện lớn thì Hào nhận được giấy bảo lãnh của cha mình, nên anh ta đổi ý định không đi Phục Quốc nữa.  Đến lúc họ vào để nhận những người đã ghi tên tham gia trước kia, thì Hào bỏ trốn trong cầu tiêu của trại.  Nhóm người Phục Quốc vào tận cầu tiêu lôi Hào đẩy lên xe đưa đi!  Từ đó không còn ai biết tin tức gì về Hào nữa!
Đêm hôm trước ngày lên đường, theo tâm trạng thông thường thì ai cũng lo lắng, không ít thì nhiều, nhưng có lẽ là rất nhiều, nên anh Đỗ Xuân Trường nhờ anh Musa người Chàm làm giúp một dây "cà tha" (bùa) để đeo quanh thắt lưng cho được yên tâm.  Hưng có hỏi Trường thấy cảm giác gì không khi đeo "cà tha", Trường cho biết thấy hơi rùng mình một cái.  Sau đó Trường có nhờ Hưng khi qua Mỹ được thì liên lạc với Dì Chi của Trường để bà biết số phận của anh.  Sau nầy Hưng có liên lạc Dì Chi bằng thư nhưng không thấy hồi âm.  Cùng đi trong số đó có Đỗ Bạch Thố là một thanh niên thấp, tánh tình chất phát hiền lành.  Sau nầy cha mẹ, 3 người chị và 2 người anh rể cũng đến được Nong Samet,  Nguyễn Tấn Khoẻ và đứa con trai tên Nguyễn Tấn Phát độ 6, 7 tuổi và người em vợ tên Phong (có điều là 2 anh rể, em vợ lại không thuận thảo với nhau tí nào, cứ cải nhau hoài trong tù),  hai anh em anh Thuận ria mép, người anh thì đầu hói, trước kia đi Tâm Lý Chiến, có giọng hát khá hay.
Buổi chiều hôm sau, người của Tổ chức XYZ vào trại để đón lính mới.  Họ luôn luôn chờ các Volags (Các tổ chức thiện nguyện như MSF, ICRC, ARC, CARE, COR ...) rời khỏi trại để trở về thị trấn Thái rồi, thì họ mới xuất hiện vào trại.  Họ không muốn đối đầu với các tổ chức đó, nhất là ICRC, vì ICRC nắm danh sách, quân số tị-nạn.  ICRC cần được biết rõ ràng lý do mỗi khi quân số tăng hoặc giảm. Nhóm của Danh đã chia tay các bạn tù để lên đường trong buổi chiều chập choạng hôm ấy.  Đó là đợt tham gia kháng chiến đầu tiên nên ai cũng bịn rịn, hơn nữa bạn bè dư biết là một khi dấn thân vào lửa đạn thì may ít rủi nhiều.  Hi vọng gặp lại nhau thật là mong manh!
Vùng biên giới lại đi vào mùa khô.  Đây là mùa mà cộng sản Việt-Nam hoạt động mạnh.  Chúng thường xua quân qua biên giới, tới tận lằn ranh của Thai-Lan để truy đuổi quân kháng chiến của Khmer đỏ, của Son Sann hay của Sihanouk.  Mỗi phe chiếm cứ một vùng dọc biên giới Thai-Khmer, có khi sát cạnh nhau.  Có một lần, một tù nhân bị giam trong nhà tù C3 Nong-Chan của Son Sann, sát bên nhà tù giam người Việt.  Ban đêm anh ta trốn tù, nhảy qua một cái mương và thoát qua bên lãnh thổ của Sihanouk.  Khoẻ re.
Mùa khô năm nay cũng không ngoài thông lệ ấy.  Ban đêm Hưng áp tai xuống đất và nghe rõ tiếng xe tăng của VC đang di chuyển.
Có lần, bọn Miên đem chiến lợi phẩm về triển lãm dưới trụ cờ.  Mìn, súng ống, đạn dược, lựu đạn.  Có cả mấy xác chết nữa.  Những xác nầy chỉ bận quần đùi, đầu tóc cắt ngắn.  Được vài hôm, những cái xác ấy chương lên, ruồi nhặng bay vo ve như ong.  Bọn Miên vào tù Việt-Nam trưng dụng nhân công đi chôn.  Chúng chọn những tay lực lưỡng, nhưng bất chợt chúng trông thấy Hưng, tên chỉ huy kêu lên:
- À tút nú! (Thằng nhỏ đó!)
Mấy người xầm xì:
- Chắc tụi nó thấy mầy trắng nên nó ghét đó.
Ra đến nơi, ai nấy không chịu nỗi mùi hôi thối, nhưng đành phải nghiến răng xông vào làm việc.  Muốn tránh cũng không được.
Thấy cái xác không to lắm nhưng không hiểu sao nó nặng ơi là nặng.  4 người lo 2 chân 2 tay mà vẫn cứ ì ạch vì cái đầu cứ oặt ẹo mãi.  Một lần nữa sao quả tạ lại rơi vào Hưng.  Bọn Miên xỉ tay bảo Hưng phải "take care" cái đầu của tử thi.  Là học sinh, lần đầu tiên ra đời, phải chạm tay vào tử thi, Hưng thấy nó lạnh toát một cách kỳ dị.  Không phải cái lạnh như nước đá, nhưng là cái lạnh ma quái, làm cho mình phải ớn xương sống!  Cả 5 người hô 1, 2, 3 rồi đồng loạt nhấc lên.  Bỗng nghe có tiếng "bực, bực, ộc, ộc ..."    5 người đưa mắt nhìn nhau.  Thì ra gân cốt của xác chết bị đứt, và máu đông cục trong lồng ngực rơi ra khỏi vết thương xuyên từ phía trước ra sau lưng nên phát ra tiếng động như thế.  Mấy cục máu tím bầm, trông như huyết heo, to bằng cái chén nhỏ rơi ra nằm trên đất.
Cả bọn cố hết sức mà vẫn không nhấc hổng cái xác chết lên được, nên cứ phải khiêng là đà trên ngọn cỏ.  Tới nơi phải đào hố ngoài ruộng nước.  Cái hố đào vội thành ra hơi nhỏ, vậy mà phải chôn tréo trả cả 2 cái xác vào một hố.  Tay chân họ cứ thò ra trên mặt đất.  Mấy anh em phải thu xếp cho tay chân tử thi xếp gọn vào trong hố, chứ không dám đứng trên xác mà dậm xuống như bọn VC đã làm khi đấu tố bà Cát Hanh Long trontg thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất!
Vừa chôn xong, thì nghe tiếng la to:
- Pà Rặng mo! (Pháp tới!)
Anh em nhìn ra đường thì thấy xe có cắm cờ Hồng Thập Tự đang lái về hướng trại tù.  Tim mọi người như ngừng đập, vì vui mừng, đã hơn nửa năm rồi ICRC không được vào thăm tù.  Như vậy có nghĩa là vẫn còn hi vọng thoát ra khỏi cái địa ngục nầy.  Thế là bọn Miên ra lệnh cho tù phải gấp rút quay lại C3.
Từ đó tình hình chiến sự cứ gia tăng mãi lên.  Tù Việt-Nam lo sợ, hễ gặp mấy người Miên là hỏi thăm tin tức.  Tuy đây là lãnh thổ của Son Sann, nhưng trăm lần như một, mỗi khi được hỏi đến thì những người tù Miên đều bảo:
- Ọt ây tê! (Không sao đâu!)
Họ nói đừng lo, vì "Yuôn" (Người VN, ở đây họ ám chỉ Việt-Cọng) không địch lại nổi Tà Mok đâu, ổng giỏi lắm.  Tà Mok là viên chỉ huy của Khmer Đỏ.
Những ngày sắp thất thủ, tù Việt-Nam bị khóa cứng, không được đi ra ngoài.  Đêm cuối cùng lính Miên rút lui trước hỏa lực của VC.  Nằm trong tù mà nghe bọn Miên vẫn cười giỡn trên đường thoái quân để di chuyển vào sát biên giới Thái Lan, bỏ lại đàng sau trại Nong-Chan và tù C3.  Chiến tranh xem ra giống như một trò đùa ở vùng đất nầy!  Đến gần sáng, thì căn cứ Nong-Chan bị đánh vỡ.  Mạnh ai nấy chạy.  Hỗn quan, hỗn quân.  Tù C3 tự phá khóa dây kẽm gai và chạy trà trộn với quân và dân Miên.  Cả một khoảng  đồng trống đầy nắng và bụi bị dày xéo bởi hàng ngàn bàn chân của "bá tánh" Nong-Chan.  Cảnh tượng chạy loạn ấy thật không khác câu chuyện Triệu Tử Long đoạt ấu chúa thời Tam Quốc bên Tàu.
"Trăm họ" tạm dừng chân ở O Bychon chừng 1 tuần rồi lại lên đường, vì chiến tranh vẫn đeo sát gót.  Hưng vừa đi vừa nói chuyện với Francois, ICRC Delegate, trên đường đến căn lều tạm của ông già Lâm-Nê. Lần đầu tiên Hưng gặp ông.  Đó là một người đàn ông tóc ngắn, cương nghị rắn rỏi, vẻ dày dạn nắng gió.  Khát nước quá vì vừa mới chạy giặc tới, Hưng xin ông một ca nước, ông dịu dàng bảo:
- Uống đi con.  Uống cho no đi.
Mấy ngày sau, đoàn người lại băng qua khoảng rừng thưa bị cháy loang lỗ.  Lúc nầy Hồng Thập Tự đã có mặt lội rừng chung với dân để hướng dẫn mọi người đi vào Ang Sila, một khoảnh rừng nằm trong lãnh thổ Thái, mới được khai hoang, lấy chỗ cho dân Miên và VN tạm dựng lều trong khi chờ chiến tranh lắng dịu để tái ổn định.
Plastic xanh được phân phối để dân tạm cất lều trên khoảng đất mới.  Lều ông già Nê được cất bên 2 gốc cây lớn để ông có thể giăng võng.  Một hôm đang đứng trong lều của ông thì Hưng nghe có người chạy tới báo cáo với ông là nhóm người Phục Quốc muốn gặp ông để nói chuyện.  Hưng lánh mặt.  Sau một lúc nói chuyện thì họ cáo từ.   Không biết nội dung câu chuyện như thế nào.  Suốt thời gian còn lại ở Ang Sila không thấy họ tới nữa.
Vào cuối mùa khô, chiến sự trở nên yên lắng.  Dân tị-nạn Việt-Nam được đưa về trại Nong Samet cất kế bên NW 82 ngày xưa.  Tuy nói là ngày xưa, nhưng thực ra chỉ mới có mấy tháng kể từ ngày NW 82 được giải quyết đi định cư.  Nỗi thống khổ làm cho con người ta cảm thấy thời gian như kéo dài lê thê!  Nơi platform của NW 82 bây giờ chỉ còn lại rác rến, những cọc lều gãy nát, rải rác trên nền trại là những lon cá mòi nằm lăn lóc. Trông thật tiêu điều và buồn bã.  Mới mấy tháng trước nơi nầy còn đông đúc, chen chúc những mãnh đời rách nát.  Đông nhưng không vui!  Dầu sao cảnh tượng trước mắt cũng làm dâng lên trong lòng người đến sau một nỗi buồn "hoài cổ" nếu có thể gọi như thế!  Nhất là những người có thân nhân như Hưng đã sống ở NW 82.  Rời khỏi nước chỉ cách nhau 4 tháng, mà 2 anh em định cư cách nhau 5, 6 năm. 
Sau khi dân tị-nạn ổn định nơi trại mới nầy, một lần nữa Lực lượng Phục Quốc lại xuất hiện.  Đêm hôm đó, họ đem cả máy phát điện, TV để chiếu phim về tổ chức của họ, về hoạt động trong các mật khu ... Lần đầu tiên dân tị-nạn được thấy ông chủ tịch, quấn khăn rằn, đọc diễn văn.  Trông ông thật giống Hồ Chí Minh.  Phải công nhận ông có dáng khắc khổ, giọng nói trầm ấm của một nhà lãnh đạo.  Rất thuyết phục.  Đồng thời họ cho chuyền tay những ấn bản của tổ chức, in trên bìa dày rất đẹp.  Về khuya, sắp hết buổi vận động, họ cho thu hồi những quyển sách ấy.  Sau khi kiểm điểm thấy thất thoát một ít sách.  Thế là lính Thái đi cùng với họ ra sức lục soát, đe dọa dân trong trại để tìm cho ra.  Nhưng phải tốn thời gian rất lâu mới tìm thấy được.  Thì ra ai đó đã vất số sách ấy qua hàng rào ra đám cỏ mọc hoang bên ngoài trại.
Có một điều không biết đáng buồn hay đáng cười.  Một ngày nọ, không hẹn mà nên, có 2 lực lượng phục quốc cùng xuất hiện: Lực lượng của anh Trần văn Bá và Tổ chức XYZ.
Hai bên va chạm dữ dội.  Dân chúng bu đông nghẹt.  Mấy ông cựu quân nhân thấy vậy lên tiếng:
- Mấy ông kêu gọi đi kháng chiến để cứu nước, mà chưa chi mới gặp nhau ở đây đã cãi cọ, chia rẽ như thế nầy thì còn ra thể thống gì nữa.  Thử hỏi ai còn dám tin tưởng ở mấy ông!
Cuối cùng hai tổ chức  tránh đụng độ tại trại nên thách thức nhau,  hẹn ngày giờ "đối thọi" trên Bangkok. 
Mãi sau nầy hay tin Trần văn Bá hi sinh trong quốc nội, mọi người mới xót thương cho anh.  Một người trẻ đủ điều kiện sống một đời sống yên vui, hạnh phúc thế mà đã dám hi sinh tất cả cho non sông.  Đến bây giờ thanh danh vẫn chưa hề bị vấy bẩn như những tổ chức khác!
Trong lần tuyển quân cuối cùng, họ thuyết phục được vài người đi.  Số người đi ít hơn so với những lần trước là vì bây giờ không phải như lúc còn ở trong tay người  Miên dân ta bị hãm hiếp, lao động, có khi còn bị đập đầu giết bỏ nữa.  Vì đời sống lúc đó giống như địa ngục như vậy nên dân tị nạn mới tìm cách thoát ra, và giải pháp duy nhất là tham gia Kháng Chiến.  Tham gia kháng chiến thì chưa biết đi tới đâu, nhưng ít ra trước mắt cũng ra được khỏi nơi chốn nhục nhằn nầy cái đã.  Phải thẳng thắn mà nói, lúc đó lý tưởng chưa phải là động lực thực sự để  anh em tị-nạn gia nhập.  Tâm trạng nhắm mắt đưa chân nầy cũng giống như cái liều mạng của Bút Tre:
- "Hàng đầu không biết đi đâu,
Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi."
Còn bây giờ thì  dân tị nạn đã được ICRC bảo vệ nên mọi người không còn sợ bị ép buộc phải tham gia tổ chức nữa, do đó số người gia nhập không đáng kể.
Mấy người nầy được đưa đi huấn luyện, không biết ở đâu, nhưng một thời gian sau được escort về trở lại thăm trại, có lẽ để tuyên truyền.  Trong khi các chức sắc của tổ chức ngồi trên văn phòng trại để nói chuyện với Ban Đại diện trại thì các kháng chiến quân được tự do đi xuống các lều để thăm và nói chuyện với mọi người.  Hưng và Dung có quen với một kháng chiến quân, nên 2 người bèn lân la tới hỏi thăm sức khoẻ, luôn tiện để Dung dò la tin tức về Danh.  Trông anh ốm yếu chứ không khoẻ mạnh lắm. Chờ khi mọi người đi bớt, anh nầy mới nói nhỏ với Hưng:
- Anh Hưng đừng có đi nghe.  Vô đó mới biết. Họ nói nghe hay vậy chớ tụi em ăn uống thiếu thốn lắm.  Toàn ăn cá khô thôi, mà cá để lâu quá nên bị mục, ăn đắng ngét.  Gạo cũng bị mục."
Rồi anh thì thào:
- Chị Dung đừng cho ai biết, em chỉ nói riêng với chị thôi.  Chị đừng buồn.   Anh Danh bị họ bắn chết rồi vì tìm đường đi trốn!
Dung khóc ràn rụa!
Tai vách mạch rừng!  Có lẽ tổ chức biết được anh nầy đã tiết lộ những  điều bất lợi cho tổ chức.  Cho nên sau đó ít lâu, họ lại vào trại, vẫn dẫn theo anh kháng chiến quân đó.  Lần nầy anh trông hồng hào, khỏe mạnh.  Quân phục mới toanh được ủi hồ láng coóng.  Vừa mới thấy Hưng, anh đã vui vẻ khoe:
- Anh biết không, tụi em sướng lắm.  Sáng thức dậy ăn điểm tâm xong là vào lớp học tập.  Sau đó nghỉ trưa.  Chiều được chơi thể thao.  Ông Thầy thương tụi em lắm.  Lâu lâu cho tiền để tụi em tiêu vặt.
Hưng tò mò:
- Ông Thầy là ai vậy?
- Anh không biết sao, tụi em gọi chủ tịch M. là ông Thầy đó.  Trời ơi, ổng thương tụi em lắm!
....
Đó lần cuối cùng dân tị-nạn được thấy anh kháng chiến quân ấy, và cũng là lần sau hết Dung được biết về cái chết bi thảm của người mình yêu!
Sau lần đó họ không còn vào hẳn trong  trại nữa. 
Nhưng mọi chuyện chưa phải là hết.  Tổ chức ZYZ không bỏ cuộc một cách dễ dàng như thế!
Có một lần, có lẽ vì thấy cách thức mộ quân như trước không còn "ăn khách"  nữa, nên lần này họ thay đổi "chiến thuật".  Họ đút lót lính Task Forve 80 của Thái để bọn này vào Trại, sau khi các tổ chức thiện nguyện ra về thị trấn bên trong lãnh thổ Thái hết.  Bọn Thái gặp ban đại diện, nói cần một số thanh niên khoẻ mạnh để đi đắp một đoạn đường bị hư,  họ sẽ được trả lương bằng gạo và cá mòi hộp dẹp.  Mỗi tháng UNBRO chở thực phẩm đến trại để nuôi dân tị-nạn bằng gạo, muối hột, đậu xanh, dầu ăn, cá khô hoặc cá mòi hộp cao.  Tháng sau, họ lại cho dân "đổi món" bằng cá mòi, cá khô, dầu ăn, đậu xanh, muối hột, gạo.   Nói đùa cho "đời bớt khổ" chứ  quanh năm suốt tháng dân cứ phải theo một menu duy nhất.  Sau nầy nhiều người tị nạn ra đến nước ngoài rồi, mỗi khi nghĩ đến cá mòi hộp là họ rùng mình.  Món cá mòi hộp dẹp là xa xí phẩm, chỉ có dân Miên buôn bán lặt vặt hoặc "lục thum" (ông lớn) mới có khả năng rớ tới.  Thế cho nên, nghe như vậy đám thanh niên liền phóng lên xe truck của lính Thái ngay lập tức.  Bọn Thái chở họ ra tới ngã ba gần "tà nụp" liền quay đầu xe lại hướng về một chiếc xe van mở cửa đậu sẵn đó tự bao giờ.  Một số người nhảy ra khỏi chiếc van đó, chạy tới bao vây đám thanh niên và định lùa họ vào chiếc van.  Lúc ấy dân tị nạn mới nhận ra họ là những người Phục Quốc đã từng vào trại lúc trước, nên bỏ chạy tán loạn, mỗi người mỗi ngả, miễn sao thoát thân được thì thôi.  Có người chạy sút cả dép, mất toi cả một gia tài của đời tị nạn.  Bọn lính Thái khoanh tay cười ha hả!  Khi về đến trại, họ thở không ra hơi.  Vừa thở hào hển vừa tường thuật lại diễn tiến của sự việc cho ban đại diện và bà con nghe.  Nhiều người vừa kể vừa cười ngặc nghẽo, y như vừa mới được đi dự một cuộc vui nào về.
o 0 o

Dung nghe có tiếng cô bạn đã ngồi trên xe buýt gọi.  Nàng như vừa được đánh thức khỏi giấc mơ dài.  Quay lại thấy cô bạn vẫy tay lia lịa, ra dấu xe sắp chuyển bánh. 
Nàng xách vội chiếc xách tay nhỏ lên.  Gia tài của cả một đời tị-nạn.  Ngày rời xa đất nước, người dẫn đường không cho Dung đem gì theo, mà chỉ được đi tay không cho khỏi bị lộ.  Nhưng lúc đó, trong hồn nàng chứa đầy ắp một niềm ước mơ tươi sáng cho tương lai.  Còn bây giờ, ngày lên đường đi định cư, nàng có được một xách tay nhỏ mang theo, nhưng đắng cay thay,  tâm hồn tội nghiệp của nàng đã trống vắng, vỡ nát tang thương!  Dung đi vội về chiếc xe.
Xe bắt đầu lăn bánh.  Cô gái  ngoái cổ lại, cố thu vào tâm trí hình ảnh cuối cùng của vùng biên giới Thái-Miên, nơi nàng đã để lại đời con gái thơ ngây và cũng là nơi nàng đã chôn sâu mối tình trắc trở bi thương.   Quang cảnh hoang tàn của trại lùi xa dần ... xa dần ... trong đám bụi mù đang bốc lên sau xe.  Mắt nàng mờ đi.  Vì bụi, hay vì nước mắt.  Hay vì cả hai!  Dung không biết nữa. 

1 giờ đêm

Garden Grove, Nov. 21, 2015