Tuesday, February 19, 2008

Buổi Sáng Mùa Đông ở Seattle


(Truyện Ngắn)
Hoài-Cẩm Lê văn Hưng

Trời bắt đầu vào đông rồi. Đêm qua Vũ quên kéo màn cửa sổ, những giọt mồ-hôi đọng trên khung kính lấm-tấm. Ngoài kia bầu trời Seattle thấp và sủng nước. Khí trời gây-gây lạnh. Hôm nay Vũ dậy trễ, vợ chàng đã đi làm từ sáng sớm. Ở nhà chỉ còn hai cha con. Con bé Hà còn đang ngủ nướng. Chàng nhủ thầm, kệ, cho con bé ngủ, mới bốn tuổi, sang năm đủ năm tuổi là phải dậy sớm đi học rồi. Chàng se-sẽ ra khỏi giường, vào bếp bắt một ấm nước. Ở đây đời sống tiện-nghi, nhưng vì quá tiện-nghi nên đời sống mất đi sự thi-vị nhiều lắm. Chẳng hạn như bếp lửa. Bếp lửa ở quê nhà là nơi cho chúng ta biết bao kỷ-niệm. Thật không gì nôn-nao, thích-thú cho bằng ngồi chụm từng thanh củi để chờ nồi bánh chưng cuối năm. Những ngày đông giá, mưa phùn gió bấc, còn gì ấm-cúng hơn là thu hai tay trong túi áo và ngồi túm-tụm trước bếp lửa bập-bùng để chuyện trò và ăn bắp rang. Nói đến bếp lửa Vũ không thể nào quên được mấy câu thơ của thi-sĩ Đông-Trình viết về Hội-An trong bài “Phố Dưỡng Già”:
- “Ngày cuối Đông gió lùa qua liếp cửa,
Anh muốn bật ho trong con phố dưỡng già,
Có em người tình má hồng bếp lửa,
Vuốt ngực đau bằng mười ngón kiêu-sa.”
Người em gái mong-manh như dáng liễu bên bếp lửa mùa Đông quả là một hình-ảnh đủ mãnh-lực khiến những tâm-hồn du-tử phải quay về để “giũ áo phong-sương.” Vũ thầm nghĩ, “Nếu mình là một du-tử chắc mình cũng không thể làm khác hơn được, phải quay về thôi.”
Nhón một chút trà sen mà bà ngoại con bé mới đem từ Việt-Nam qua bỏ vào ấm rồi chế nước sôi. Trong khi chờ trà, chàng khoác chiếc áo choàng dày kiểu Kimono và mở cửa ra đứng ngoài lan-can. Hơi lạnh ập vào mặt làm chàng co-ro.
Sương mù còn vướng-vít trên đầu các ngọn cây thông, không-khí thật nhẹ-nhàng thanh-khiết. Chàng làm vài động-tác cho dãn gân-cốt, nhác thấy luống hồng nhung ở sân sau dưới kia còn lại một vài đóa cuối mùa. Vũ bỗng có ý muốn xuống vườn để đi dạo một chút. Chàng hay có những ý thích bất-chợt và đôi khi bất thường như thế, vì dưới cái lạnh của buổi sáng sớm như thế này thì hầu như ai cũng muốn cuộn mình trong tấm chăn dầy hơn là đi lang-thang trong vườn. Nhớ lại hồi còn sống trong trại tị-nạn Bataan ở Phi-luật-Tân, đang cơn mưa lớn chàng đề-nghị anh bạn thân cùng billet ra lội mưa để đi xuống vùng 7 chơi. Anh bạn dẫy-nẩy, nhưng chàng nói, “Bây giờ ông không chịu đi với tôi thì sau nầy ông sẽ hối-tiếc, vì khi qua Mỹ rồi ông sẽ không thể nào có thì giờ rảnh-rỗi để đi lang-thang dưới mưa như thế nầy đâu, thú-vị lắm ông ơi!” Nghe xuôi tai, anh bạn đành khoác áo mưa vào và hai thằng loi-ngoi lóp-ngóp lội mưa đi chơi, ai cũng cười bảo hai tên nầy điên.
Vũ vào rót một tách trà, nhấp vài ngụm nhỏ. Hương sen thoang-thoảng và hậu-vị ngòn-ngọt của trà trong cuống họng làm chàng tĩnh-táo hẳn. Chàng đi xuống cầu thang mở cửa sau ra vườn. Lối đi và cây cỏ ướt sũng nước mặc dù trời không mưa. Thành-phố nầy là thế, thành-phố của mưa gió, lạnh-lẽo và ướt-át. Nhiều người không thích khí-hậu nầy, nhưng với chàng đây là một bối-cảnh thích-hợp cho tâm-hồn của mình. Từ nhỏ Vũ vốn hay mơ-mộng, thích thi-ca, hội-họa... thế mà không hiểu sao trong những năm Tú-Tài chàng lại chọn cho mình ban B, một ban mà theo mọi người không thể nào “get along” với một tâm-hồn nhiều rung-cảm như chàng. Nhớ thời-gian mới định-cư tại California, mỗi năm chàng cứ mong cho chóng đến những tháng Đông để được thấy sương mù, thấy trời trở lạnh và thấy đêm đến sớm.
Những luống hành, tỏi, ớt, rau húng... do vợ chàng chăm bón đã bắt đầu tàn vì trời rét. Có những buổi sáng sớm nhìn ra vườn nhà và vườn hàng xóm, Vũ đã thấy có một lớp sương muối phơn-phớt phủ trên thảm cỏ, và lớp sương đó tan đi rất nhanh khi mặt trời lên.
Đang đi chàng chợt thấy qua khoé mắt một ánh sáng tím loé lên rồi từ-từ đổi qua màu hồng nhạt. Thì ra đó là một giọt nước đã bị đông thành đá nơi chót lá của một cành thông. Vũ đứng dừng lại và nhìn vào đó như bị thôi-miên. Một ký-ức thời thơ-ấu hiện về. Chàng nhớ lại những buổi trời mưa, hình ảnh một cậu bé ngồi học bài trên gác, nhìn ra lan-can thấy những hạt nước lóng-lánh, thế là cậu bé con quên cả học bài và thả hồn đi thơ-thẩn trong mưa.
Chàng tiến lại phía hàng rào. Những gốc hồng mảnh-khảnh run-rẩy trong tiết lạnh, trên cành chỉ còn vài đóa nhỏ. Một mùi hương phảng-phất. Từ nhà hàng xóm vẳng lại bài “Thiên-Thai” của Văn-Cao. Buổi sáng thật êm-đềm làm sao!
Vũ chầm-chậm đi về phía cuối vườn, mắt nhìn xuống lối đi. Tiếng lạo-xạo của sỏi vang lên phá tan sự tĩnh-mịch, ngái ngủ của buổi sáng. Đứng tựa vào chiếc băng đá, hai tay vòng trước ngực chàng phóng tầm mắt về phía rặng thông xanh ngút-ngàn kia. Ở tiểu-bang này nhìn đâu cũng thấy một màu xanh mát mắt trải tít-tắp. Chẳng thế mà người ta gọi Washington là Evergreen State.
Khi mới về đây ở, khu vườn rất trống-trải, chàng phải sửa sang lại, trồng hoa, rau cải, trải sỏi và dựng lên ở ngay giữa vườn một căn nhà nho-nhỏ cở ba thước vuông dùng làm thư-viện và là nơi ngồi thiền. Chàng có khuynh-hướng tìm hiểu về tôn-giáo từ những ngày còn nhỏ, nhất là sau khi mất nước. Xung-quanh thư-viện chàng treo nhiều chậu phong-lan. Vợ chàng cằn-nhằn không ít về thú giải-trí nầy của chàng, vì nó đòi-hỏi rất nhiều thì giờ để chăm-sóc. Nhưng chàng không thể bỏ được. Nó là sợi dây liên-lạc duy-nhất của chàng với thiên-nhiên. Đời sống ở Mỹ nầy quá máy-móc, nếu không có những thứ đó chắc chàng rồi ra cũng thành một cái máy mà thôi. Lúc bé Hà mới một, hai tuổi chàng thường bế nó vào thư-viện nầy và chỉ cho nó xem trời mưa hay tuyết. Bên ngoài thì lạnh, bên trong thì con bé là một khối ấm-áp với mùi sữa và mùi trẻ con trong lòng làm cho chàng có một cảm-giác yên-ấm và êm-đềm.
Vũ cúi xuống lượm trái thông khô trên lối đi và ném vào bụi cây. Một con chim nhỏ hoảng-hốt bay vụt lên làm vài cánh hồng rơi rụng. Chàng hối-tiếc đã khuấy phá sự yên bình của sinh-vật bé nhỏ ấy trong giờ phút tĩnh-lặng như thế nầy. Nhặt cánh hồng mân-mê trong tay. Chàng đứng lên, ánh mắt bắt gặp khung cửa sổ. Bé Hà đã đứng đó từ hồi nào, một tay vẫy, tay kia còn dụi mắt, miệng nhoẽn cười “ Ba, con dậy rồi nè.” Chàng mĩm cười vẫy lại rồi lững-thững đi vào nhà. Lo cho con bé đánh răng, súc miệng và bửa ăn sáng xong chàng quay trở lại bàn. Tách trà đã nguội từ lâu. Chàng nâng tách lên nhấp một ngụm nhỏ. Để tách trà xuống và ngồi vào chiếc ghế dựa, nhắm mắt tận hưởng hương-vị của trà. “ Lắng nghe” sự im-lặng đang thẩm-thấu không-gian xung quanh, bất-giác chàng lại liên-tưởng đến công-án “ Âm-thanh của một bàn tay ” trong Thiền Tông.
Tiếng lanh-canh của chiếc muỗng chạm vào chén trong lúc bé Hà ăn đã làm sự yên-tĩnh của chàng vỡ vụn. Chàng mở mắt quay lại phía bàn ăn. Con bé vừa ăn vừa nhìn cha. Nháy mắt đùa với nó rồi quay trở lại vị-trí cũ, cái nhìn của chàng chợt dừng lại nơi bức tranh treo trên tường đối-diện. Đó là chữ Phật được tạo bởi những câu trong Tâm Kinh. Môi chàng lẩm-bẩm như một phản-xạ, “ Sắc bất dị không, không bất dị sắc ...” trong khi mắt theo dõi những hạt bụi bay nhảy lấp-lánh trong vệt nắng đầu ngày đang chiếu vào khung cửa rồi biến mất sau khi ra khỏi vùng ánh-sáng ấy.
Westminster, CA
Tháng 7, 1996

No comments: