Thursday, May 19, 2016

I Love My Dog!


*HOÀI-CẨM Lê văn Hưng




Kính tặng anh Lê Bá Bích.Truyện nầy được ra đời là do sự gợi ý của anh.
Cali tháng 6, 2001


Ông Văn buông viết xuống đưa tay dụi mắt, vươn vai. Ông nghĩ trong bụng không hiểu tại sao lúc nầy mình mau bị mệt quá! Lúc trước sức-khỏe đâu có đến nổi tệ như vậy. Có lẽ tại tuổi tác đã cao, mà công việc thì lại đa-đoan, bận-rộn! Từ lúc chiều đến giờ, sau khi rời văn-phòng nha-sĩ về đến nhà là ông Văn bắt tay vào mớ giấy tờ, sổ sách nầy ngay. Không kịp uống một hớp nước. Nói như vậy không có nghĩa là không có thì giờ, mà vì ông muốn giải-quyết cho xong nội tối hôm nay một ít vấn-đề của văn-phòng và của một số cơ-sở đầu tư, trong đó có mười mấy tiệm làm móng tay và hai tiệm vàng, để kịp thanh-toán lương bổng của nhân-viên dưới quyền. Đã gần hết tuần rồi còn gì. Ồ, tối nay lại phải liên-lạc với đằng Tổng Lãnh-Sự xem chính-phủ Việt-Nam có nhận cho dạy ở Đại-Học Nha-Khoa Hà-Nội vào năm tới hay không, để còn sắp-xếp chương-trình khác nếu không được chấp-thuận.

Thói đời đã có tiền thì lại muốn có tiếng. Tiền thì không biết bao nhiêu là đủ, nhưng ở xã-hội Mỹ được như gia-đình ông kể ra cũng không đến nổi tệ. Cho nên ông Văn bèn nghĩ đến cách xin một chổ dạy học ở Việt-Nam, tuy không có bao-nhiêu tiền, nhưng dù sao thì cũng được tiếng là giáo-sư Đại-Học. Chứ ở Mỹ thì ai cho dạy? Tư-cách nào? Lo cho xong ngần ấy thứ là đủ hết giờ! Ước gì một ngày có 30 tiếng. Thật đúng là:

Cái vòng danh-lợi cong cong,
Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.

Vì những chuyện như thế mà từ lâu nay ông ít có thì giờ gần-gủi với vợ con và bà cụ, mẹ của ông.

Hai đứa con của ông không biết lúc nầy học hành ra sao! Có lẽ không đến nỗi nào, vì nếu có vấn-đề gì thì cậu sinh-viên dạy kèm mà ông đã mướn với số lương khá hậu-hỉ đã cho ông hay rồi. Cậu ta vừa dạy kèm vừa làm vú em sắp nhỏ, vừa làm mật báo viên để cho ông biết chúng nó có dùng xì-ke, ma-túy, có lo học hành không trong khi ông bận làm giàu. Sợ lũ trẻ rổi-rãnh quá rồi sinh ra đàn-đúm với lũ bạn xấu, ông bèn ghi tên cho chúng học nhạc, học võ, học kèm Toán, Lý Hóa ... để choán cho hết thì giờ trong ngày. Thằng lớn đã 15 tuổi. Lúc trước nó có đua đòi bạn bè chút đỉnh, trốn học đến nổi nhà trường phải gửi giấy về mời ông lên họp. Bây giờ thì đỡ rồi. Mọi việc ông giao khoán cho cậu sinh-viên hết. Kể ra cậu làm việc cũng khá sốt-sắng và có lương-tâm. Ông mừng đã chọn được người tốt và đáng tin-cẩn.

Một mình ông làm đủ rồi. Ông muốn vợ con ông có một đời sống sung-sướng để không thua ai. Do đó ông không cho bà phải vất-vả đi làm, dù là làm ở phòng mạch của ông giống như các tay bác-sĩ  bạn bè của ông vẫn hay làm. Đi làm như thế không tiết-kiệm được bao nhiêu mà còn làm cho bà ấy cực thêm. Tội! Hơn nữa bà cũng cần có mặt ở nhà để chăm-sóc lũ trẻ. Và một điều quan-trọng không kém là hai vợ chồng không thể nào làm chung một chỗ được. 8 tiếng đồng-hồ đi làm, tuy cực về thể-xác nhưng là 8 tiếng quí-báu để cho hai tai được nghĩ-ngơi. Ông chắc mẵm là những đấng nam tử khác cũng không chống-đối quan-niệm nầy của ông, nếu không muốn nói là "đồng thuận". Chẳng thà cứ mướn một cô thư-ký. Nhưng ông rất khắc-khe trong việc chọn thư-ký văn-phòng. Dĩ-nhiên khả-năng làm việc là cần-thiết, nhưng nhan-sắc không thể thiếu được. Nhiều người cho rằng ông hảo ngọt. Không biết! Nhưng tính của ông nó như vậy. Có tiền để làm gì? Phải sống cho ra sống chứ, để bỏ những ngày bần-hàn ngày xưa! Nhắc đến hai chữ "ngày xưa"  ông lại càng cố-gắng làm cho có thật nhiều tiền, vì khi ông mới qua Mỹ năm 75, chưa lấy lại bằng nha-sĩ, hai vợ chồng ông phải đi làm trong khu thịt cá của một siêu-thị, hai tay lúc nào cũng nhúng trong nước đá lạnh cóng. Làm một ngày 10 tiếng đồng-hồ, tối về thở không ra hơi. Bây giờ mệt thì có mệt, nhưng mình làm chủ lấy mình và làm ra được nhiều tiền. Thì giờ ông dành cho công việc làm ăn, kinh-doanh nhiều hơn ở nhà, có khi vì bận-rộn ông quên cả gọi điện-thoại về cho vợ con.
Còn bà cụ tám mươi mấy tuổi, không biết làm sao để chăm-sóc đây!

Tuổi già nhiều khi lẩm-cẩm, thành ra lắm hôm bà hết cằn-nhằn mấy đứa nhỏ ăn uống không chịu dọn-dẹp, lại giận hờn người lớn đi đâu đi suốt ngày, bỏ bà ở nhà một mình. ở tù mà còn sướng hơn. Bà hay cự-nự, "Tau muốn về Việt-Nam ở, thiếu gì người lo cho tau, ở đây làm cái gì cũng bị cấm-cản". Vợ của ông thì không quen làm dâu. Bà chưa học xong Trung-Học là ông đã cưới về ở riêng. Lúc ấy trong nhà có người giúp việc, đâu có phải làm gì động đến móng tay, cho nên bà chỉ quen với đời sống được người khác hầu-hạ thôi, chứ chưa hề biết phục-dịch ai bao giờ. Phần ông, đã "tự-giác" không sử-dụng cái quyền của người chủ gia-đình sau "vụ việc" ông "ăn chè" với cô thư-ký. Cũng vì cái tội dùng thư-ký trẻ đẹp. Lần đó phải "đi đoong" mấy triệu cho cô ta qua Hawaii sinh nở và làm vốn nên mới êm đó chứ! Giọt máu rơi được mang họ mẹ, và ông không được tới lui thăm viếng. Nhiều khi ông thấy lương-tâm cắn-rứt chút đỉnh, nhưng rồi cũng qua đi mau chóng. Hơn nữa đây cũng không phải là đứa con ngoại hôn duy nhất từ trước đến nay. Những lúc ngồi tĩnh-tâm suy-nghĩ, tận đáy lòng ông cảm thấy mình quá giả-dối. Dối Phật, dối Sư, dối Thần, dối Thánh và dối cả mình nữa. Trong thùng Phước Sương của các Chùa, phần tiền của gia-đình ông đóng góp lúc nào cũng có "kí-lô" hơn những thí-chủ khác. Trên các danh-sách cúng-dường xây chùa, tên vợ chồng của ông bao giờ cũng đứng đầu bảng. Nhìn các biểu-hiện ấy, tuy không nói ra nhưng những Phật tử khác chắc hẳn sẽ tấm-tắt tán-thán, "Công-dức thật vô-lượng!"  Nhưng ông Văn biết rằng nếu có ai lập một danh-sách về những thành-tích xâm-phạm tiết-hạnh, phá-hại gia-cang người khác, con rơi con rớt, phá thai ... thì chắc-chắn cái "phương danh" của ông cũng sẽ có vinh-dự được liệt-kê đầu-tiên!

Từ đó trở đi, hễ mở miệng là mắc quai. Vợ ông được đàng chân lân đàng đầu, và kết-quả ngày hôm nay người nắm quyền quyết-định trong gia-đình là "má bầy trẻ" . Có lúc bà vợ nói hỗn ông cũng không dám mở miệng để bênh mẹ của mình! Riết rồi ông bị kẹt ở chính giữa.  "Lưỡng đầu thọ địch!"   Bầu không-khí trong gia-đình giống như một lò lửa cháy ngầm, không biết bùng lên lúc nào.

Ở tuổi của bà cụ, nhiều khi không kiểm-soát được tiêu, tiểu. Những lúc không chạy vào phòng tắm kịp, bà tiểu cả ra quần! Căn phòng của bà hôi-hám không chịu được. Lại thêm một đề-tài cho vợ của ông càm-ràm. Đã có lúc vợ ông đưa ra ý-kiến đem bà cụ vào viện dưỡng lão, nhưng lúc đó ông gạt đi. Không phải vì ông sợ bà cụ cô-đơn hay buồn-bã trong viện, mà vì ông sợ miệng đời dị-nghị là có con là nha-sĩ, nhà cao cửa rộng mà mẹ phải vào ở viện dưỡng lão. Ông lại không muốn mướn người đến nhà chăm-sóc cho cụ. Biết họ là ai. Không thể tin được bọn đó. Có ngày nó dám dọn hết nhà đi mất. Bây giờ sau khi suy đi nghĩ lại, ông Văn thấy chỉ có giải-pháp Viện dưỡng lão theo ý "bà nhà nó"  là ổn nhất.

Tới lúc nầy, người đem việc đưa bà cụ vào viện dưỡng lão ra thảo-luận lại là ông. Nghe tới đó, bà Văn hứ một tiếng kèm theo một cái nguýt dài có đuôi, chứ không thèm trả lời, khác nào ngụ-ý, "Tôi đã bảo với ông rồi chứ phải chưa đâu!"  rồi ngoay-ngoảy bỏ vào phòng trong. Ông Văn nhìn theo, bực-dọc, định to tiếng, nhưng chợt cơn giận tan mất. Ở tuổi 45 bà trông vẫn còn tươi mát chán. Vẫn còn bắt mắt lắm! Nhìn bà ai cũng nghĩ chỉ mới ngoài 37, 38 thôi, nhất là sau khi đi giải-phẩu thẩm-mỹ để "rebuilt toàn-bộ máy-móc"  hồi năm ngoái. Giỏi sao mà giỏi thế!! Tài sử-dụng dao kéo của mấy ông bác-sĩ thẩm-mỹ quả là tuyệt! Cứ như là chiếc đũa thần ấy! Thẻo bên nầy một dao, xén bên kia một kéo là đẹp lên ngay. Thật đáng đồng tiền bát gạo! Ông Văn nuốt nước bọt đánh ực một cái, rồi tự nhủ, Thôi, để thư-thả hẳn nói chuyện sau, có vợ trẻ đẹp thì phải chịu vậy.

Ông lớn hơn bà 10 tuổi, lại thêm làm việc nhiều nên khoảng cách tuổi tác giữa hai người cứ càng ngày lại càng chênh-lệch. Người ta khuyên ông nên nhuộm tóc, cắt mí mắt, căng da mặt để cho xứng với bà, nhưng ông không nghe. Đàn ông mà làm như vậy thì có vẻ "đồng bóng" quá! Có lần đi ra ngoài, một người đàn bà chào bà Văn, "Chị khỏe không? Lúc nầy trông chị trẻ đẹp hẳn ra, có bí-quyết gì chỉ cho em với". Và bất chợt bà ấy quay qua thấy ông nên luống-cuống xin lỗi, "Ồ, cháu xin chào Bác. Mãi lo nói chuyện với chỉ nên cháu không trông thấy Bác. Dạo nầy Bác khỏe không?"
*   *
*

Mọi việc chưa đâu vào đâu thì lại có chuyện bực-dọc xãy đến. Kẻ thối mồm lắm chuyện nào đó loan tin rằng trên đầu ông vừa mới nhú lên hai cái sừng be-bé! Thế có tức điên người lên không cơ chứ? Vợ ông chính-chuyên như vậy mà chúng nó dám bôi tro, trát trấu người ta. Ý hẳn thấy gia-đình người ta hạnh-phúc rồi đâm ra ganh-tị chăng? Mà cứ cho là bà Văn ngoại-tình đi, thì ngoại-tình với ai? Tiền bạc ông không để bà thiếu-thốn, nhà lầu xe hơi có đủ, mà là xe Infiniti đắt tiền chứ phải vừa đâu. Ông cũng không đến nỗi xấu trai, chỉ phải cái tội lùn và hơi trọng tuổi một chút thôi. Còn cái đầu hói thì đâu có thành vấn-đề. Trông lại càng thông-minh chứ sao. Như vậy mới ra vẻ Nha-sĩ, bệnh-nhân mới tin. Học nhiều quá nó mới thế. Bà muốn sửa sắc đẹp là ông cho sửa ngay. Như vậy còn đòi gì nữa? Suốt ngày bà chỉ ở nhà với lũ con thôi thì ngoại-tình với ai? Bây giờ ông mới thú thật, một trong những lý-do khiến ông để bà ở nhà là vì ông muốn tránh không cho bà tiếp-xúc với những người đàn ông khác nhiều quá. Xã-hội chạy đua theo vật-chất nầy ghê quá. Mất vợ như chơi! Cái bọn ngồi lê đôi mách gian mà không ngoan! Chúng nói mà không biết suy-nghĩ!

À, nhưng mà ... không lẽ ... nó chỉ đáng tuổi em cháu thôi mà ... Ối trời ơi! Có lẽ nào ... Thế thì chết thật! Đúng là nuôi ong tay áo! Ông Văn lầm-thầm, mồ-hôi vả ra trên trán.

Ông vò đầu bứt tai, mặc dù trên đỉnh không còn bao nhiêu tóc nữa. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng! Tiền ơi là tiền! Lâu nay vì lo làm ăn quá mà mất vợ lúc nào không hay, trong khi bàng dân thiên-hạ đồn rùm-beng lên cả rồi. Thảo nào lúc sau nầy mấy thằng bạn bác-sĩ, nha-sĩ ít khi nhận lời mời tới ăn tiệc ở nhà. Tụi nó cứ viện lý nầy, lẽ nọ để thoái-thác hoài chứ không như lúc trước! Hết "tại" đến "bị". Và thảo nào lúc sau nầy bà cũng chẳng thèm gọi lên văn-phòng mỗi khi ông quên không gọi về nhà, và bà cũng không thắc-mắc, than-phiền về việc ông lợi-dụng lý-do làm ăn để cứ quên nhiệm-vụ mãi. Bà cứ mặc, ông muốn đi lúc nào thì đi, muốn về lúc nào thì về. Lúc trước thì không thế. Đi đâu cũng phải "trình" cho bà biết. Khi nào nhiệm-vụ thấy hơi lơi một chút là bà cằn-nhằn lập-tức, ông chạy trời cũng không khỏi nắng. Mỗi lần như vậy là bà lại lên lớp dạy cho ông bài Quốc-Văn Giáo-khoa Thư "Vui Xuân không quên nhiệm-vụ"  ngay. May mà nhờ mấy viên thần dược màu xanh-xanh dễ thương chứ không thì ông đã "bỏ mạng sa-tràng" từ lâu rồi. Thank God! Và cũng cám-ơn các Khoa-Học gia đã cho ra đời thuốc Siêu Sinh-Lực Viagra. Viagra Vạn-Tuế!

Ông chạy ra xe, mở cửa, đứng thừ ra suy-nghĩ xong lại đóng cửa xe đi vào. Trông ông như người mất hồn. Cô thư-ký nhìn lo-ngại nhưng không dám hỏi.

Ngay ngày hôm đó, ông "lay-off" cậu sinh-viên cấp-kỳ. Không cần cho biết lý-do. Mà lý-do gì bây giờ? Nói ra thêm xấu-hổ.

Cuộc đời chó má thật! Càng nghĩ ông càng muốn văng tục!

Nhưng nói như vậy thì tội cho con chó Fox của ông đang quấn-quít bên chân. Loài chó xem vậy chứ trung-thành ra phết. Ông đi đâu nó cũng chạy theo, đến cả trong bửa ăn giấc ngủ. Ban đêm nó nằm cuộn mình ngủ bên cạnh. Chẳng thà chơi với chó, với mèo mà hơn! Ông vất cho con chó một miếng lòng heo mà ông đang ăn dở như để thưởng cho lòng trung-thành của con vật. Nó ve-vẫy cái đuôi củn-cởn một cách mừng rỡ. Cháo lòng là món ông khoái khẩu, thế mà bửa nay ông cũng nuốt không vô. Tự-nhiên cảm thấy no ngang! Ông lầm-bầm trong miệng, "Lòng nào rồi cũng chán-ngán hết!"

Tối về ông Văn vất cái cặp Samsonite lên trên bàn rồi bỏ vào phòng đóng cửa lại.

*   *
*

Cả tháng nay không ai nói với ai một lời. Lũ trẻ thấy thế ăn xong cũng lo "lĩnh" vào phòng  riêng của chúng, hoặc tìm cách ra khỏi nhà cho an-toàn tính-mạng. Sau khi cậu sinh-viên bị nghĩ việc, chúng cảm thấy không khác nào được giải-phóng, vì chúng có dư thì giờ để chơi games, để lên internet và chat với bạn bè, nói chuyện trên phone với bạn trai, bạn gái mà không bị ai theo dõi, cấm đoán như trước.

Ông Văn cố tìm cách gặp hai đứa để khuyên bảo chúng lo học-hành, nhưng chúng cứ luôn-luôn lẫn-tránh cha. Có khi cả tháng cha con không hề thấy mặt nhau!

Cuối năm học đó thằng con lớn bị ở lại lớp. Nó nổi giận, bỏ học và đi xin một chân giúp việc trong cửa tiệm Target. Có lần ông vào đó mua vài món lặt-vặt, thấy thằng nhỏ tuy bận đồng-phục của tiệm một cách nghiêm-chỉnh, nhưng đầu tóc rối bời, cà-vạt thì xốc-xếch, áo T-shirt thì lòi-thòi nửa trong nửa ngoài, mặt mày mồ-hôi mồ kê nhễ-nhại chạy lăng-xăng làm việc theo lịnh của manager. Một lần khác ông thấy nó mặt mày đỏ ké, oằn lưng đẩy một dãy shopping carts của Target dưới trời nắng chang-chang. Còn con bé thì tập-tành hút thuốc, xâu lỗ mũi, nhuộm tóc xanh đỏ và cặp-kè với một thằng nhóc da đen học trên nó một lớp. Loạn hơn nữa, nó còn bỏ đi hai, ba tuần không về nhà là chuyện thường. Chuyện gì tới phải tới, vài tháng sau nó bò về nhà báo với mẹ là đã mang bầu với thằng đó đã 2 tháng rồi. Chúng nó không có tiền để sống, và bị gia-đình thằng nhóc đó xua đuổi ra khỏi nhà. Giận, thất-vọng, xấu-hổ ... bà Văn nói không thành tiếng! Mãi một hồi lâu sau bà mới m ở miệng được và phán vỏn-vẹn có một chữ chắc nịch mà vẻ mặt thì lạnh như tiền, "Phá! "

Vậy là hết! Ông bà ta thường nói, "Cha làm thầy, con bán sách"  thế mà đúng.

Bà Văn lúc nầy cũng vắng nhà thường xuyên hơn. Có hôm ông Văn ghé về thấy chỉ có một mình bà mẹ già ở nhà. Ông hỏi bà đã ăn uống gì chưa, thì có khi bà bảo là đã lục cơm nguội ăn rồi, có khi bà bảo trong nhà chẳng có gì để có thể ăn được. Ông đi xem thử, thì quả đúng như thế: tủ lạnh trống trơn!
*    *
*

Sau khi nói chuyện với cô cán-sự xã-hội, và mất nhiều ngày để hoàn-tất thủ-tục giấy tờ, ông Văn thu-xếp quần áo cần-thiết của mẹ vào một valise rồi chở bà tới viện dưỡng-lão.

Hai người được mời vào văn-phòng để điền mấy tờ đơn và để y-tá trắc-nghiệm xem bà cụ có còn minh-mẫn hay không. Cô y-tá hỏi bà có biết đây là đâu, ngày mấy, mấy giờ ... bà đều trả lời rất rành-mạch. Đến khi hỏi bà có biết Tổng-Thống Mỹ hiện nay là ai không, thì bà gắt nhặng lên, "Hỏi gì mà hỏi lắm thế. Bộ không biết ông Lin-Tông (Clinton) hay sao mà hỏi!" Sau khi được nghe dịch lại, cô y-tá đưa mắt nhìn ông Văn, gật-gù, mĩm cười hóm-hĩnh, "That's wonderful. You have very good memory!"

Theo chân cô y-tá, ông Văn đưa bà tới phòng 2A mà từ nay sẽ là nơi cư-trú của bà cụ. Bà phải "share" phòng với 2 người nữa. Khi bước vào phòng bà đưa tay chào hai bà già người Mỹ và hỏi bằng tiếng Việt một cách rất ư là thoải-mái, "Hai bà ở đây lâu chưa?  Ở đây coi bộ buồn quá". Hai người Mỹ tuy không hiểu nhưng thấy bà có vẻ thân-thiện nên vui-vẻ đáp lễ, "Hi, how are you today? Welcome aboard!"  Giang-sơn của bà chỉ vỏn-vẹn có mấy thước vuông đủ để một cái giường và một cái bàn đêm nhỏ. Ông Văn để chiếc valise vào góc phòng, dưới chân chiếc bàn nhỏ, rồi ngồi ghé vào mép giường, bên cạnh mẹ.

Ở với bà cụ hai tiếng đồng hồ để bà làm quen với chỗ ở mới, ông Văn ra về. Bà đưa tay nắm lấy cánh tay ông Văn có vẻ lo-sợ vì biết là sắp phải ở lại một mình nơi chốn xa-lạ nầy. Ông Văn vỗ-về để bà mẹ già yên-tâm. Dầu vậy, bà vẫn chống gậy dò-dẫm đi theo ông Văn ra tận cửa, hi-vọng "ông con" sẽ thay đổi ý-kiến vào phút chót, nhưng người con nhẹ-nhàng mà cương-quyết gỡ tay bà ra và vỗ-vỗ lên vai bảo, "Khi nào rãnh con sẽ vào thăm mẹ, đừng lo."  Cô y-tá chịu trách-nhiệm đi theo xa-xa để canh chừng bà cụ.

Ông ẳm con chó Fox ra chỗ đậu xe, vừa đi vừa tưng-tiu vuốt-ve nó, không để ý bà mẹ của mình đang đứng tựa cửa nhìn theo một cách buồn rầu, tuyệt-vọng. Đặt con chó một cách trịnh-trọng lên nệm ghế ở băng trước, lúc sắp đóng cửa xe, ông mới khoát tay ra dấu cho bà đi vào. Bà miễn-cưỡng quay đi mà hai mắt nhòa lệ! Cô y-tá đi nhanh đến và sử dụng tối-đa loại ngôn-ngữ phổ-thông của loài người, đó là hai tay và vẻ mặt lẫn điệu-bộ để giải-thích cho bà biết là cô muốn giúp bà lão đi về phòng. Không biết bà có hiểu hay không mà chỉ thấy bà gục-gặt, miệng cười như mếu mà tay cầm gậy thì cứ quơ-quơ chỉ về phía chiếc xe của con mình ở ngoài sân.

Ông Văn rồ ga cho xe chạy ra cổng. Một đám bụi nhỏ bay tung lên đằng sau xe. Trên nền đen bóng-loáng như nước của chiếc Mercedes qua màn bụi mỏng, một cái sticker màu trắng có in hình một cái đầu chó với hàng chữ "I Love My Dog!" nổi bật lên một cách kiêu-hãnh như để kiên-định lập-trường chơi với thú-vật của chủ-nhân chiếc xe sang-trọng ấy với mọi người xung-quanh.
*   *
*

Tính đến hôm nay bà cụ đã ở tại viện dưỡng-lão được 3 ngày rồi. Dần-dần bà cũng quen với thời-khóa biểu và nếp sống mới tại đây. Như bây-giờ, bà biết rằng sau khi rửa mặt, súc miệng và ăn sáng, các ông bà cụ sẽ được đưa sang phòng khách để xem TV.

Phòng khá rộng, chung-quanh có nhiều cửa sổ trông ra khu vườn có cây lá rậm-rạp ngoài kia. Vì không biết tiếng nên bà chọn ngồi ủ-rủ ở một góc phòng gần cửa sổ, trong khi các cụ khác thì đang vừa say mê xem TV hoặc đánh bài vừa nói chuyện ồn-ào. Có những ông cụ tay chân tuy đã run-rẩy nhưng không thích làm bạn với các người cùng phái, mà lại vẫn cầm "ba-toong" cà-rà tới các bà để móm-mém trò chuyện. Không hiểu thế-gian nầy sẽ ra sao nếu không có đàn bà? Có thể sẽ đau khổ hơn. Mà cũng có thể sẽ tốt đẹp hơn không chừng. Mấy cụ ông nói gì đó mà mấy cụ bà phá lên cười ngặt-nghẽo, cười đến gập cả người trên mấy cây gậy. Có lẽ là một câu chuyện có duyên vì thấy các cụ ông cũng cười tủm-tỉm có vẻ tự-đắc lắm.

Bà lơ-đãng nhìn chung quanh thấy mọi người vui-vẻ mà cảm thấy mình cô-độc vô-cùng. Hình ảnh một bà già Á-Đông, rõi (1) răng đen, tóc búi củ hành, sống lủi-thủi trong một viện dưỡng lão, giữa những người không cùng chủng-tộc, trông thật tội-nghiệp làm sao! Bỗng bà giật mình vì nghe thấy có người chào hỏi mình bằng tiếng Việt, giọng miền Trung. Bà quay nhanh lại và không khỏi vui mừng vì biết là từ nay bà sẽ có người nói cùng ngôn-ngữ để tâm-sự. Thật là một điều quí-hóa vô-cùng!

Từ đó, hai bà cụ già trở thành như bóng với hình. Hai người thường ngồi sánh vai nhau bên khung cửa sổ, vì đó là một vị-trí thuận-tiện. Từ đó họ có thể xem những ông bà cụ sinh-hoạt trong phòng, đồng-thời có thể nhìn ra khu vườn gần cổng chính để chờ ông Văn, may ra, đến thăm.

Mỗi lần quan-sát trong phòng chán, hai bà lại nhìn ngắm quang-cảnh bên ngoài cửa sổ. Nhiều khi cả hai cùng ngồi im-lặng hồi lâu, không ai nói với ai một tiếng, vì mỗi người, lúc đó, đang còn bận suy-nghĩ về tâm-sự của riêng mình. Và nếu có nói chuyện thì câu chuyện mỗi ngày thường được bà cụ người Quảng-Nam bắt đầu bằng câu hỏi, "Ngoài mình, bà ở chỗ mô?"   Bà hơi lẩm-cẩm, không nhớ là đã hỏi câu nầy không biết bao nhiêu lần rồi, và cứ nghĩ ai cũng là người cùng quê với mình. Sau đó, bà lại kể đến những kỹ-niệm thời còn trẻ của bà tại miền quê ấy. Ngày nào cũng chừng ấy chuyện đời xưa cứ được bà lặp đi lặp lại hoài mà không biết chán. Trí nhớ của những người già về một dĩ-vãng xa-xưa thì thật vô-địch, nhưng nếu ai có hỏi họ về một sự việc gì mới xãy ra tuần trước hay ngày hôm qua thì họ cứ đem râu ông nọ cắm cho cằm bà kia mãi. Một ngọn cỏ bên hàng rào, một bông hoa cạnh lối đi, một tiếng chim kêu buổi sớm ... cũng đủ làm bà chạnh lòng nghĩ đến chốn quê-hương nghèo khổ cày lên sỏi đá của bà. Nhiều khi có người tự hỏi không biết nơi chốn thôn-ổ quê mùa ấy có điều gì hấp-dẫn mà bà cụ phải say mê đến thế.

Trời hôm nay trong xanh đến lạ-lùng. Bà cụ người Quảng đưa tay run-run chỉ cho bà bạn của mình thấy. Gió hiu-hiu làm lay-động các tàng cây. Một bông hoa màu vàng tươi, bị gió thổi, đập nhè-nhẹ vào khung kính. Vài cánh bướm chập-chờn bay lượn vẩn-vơ trong cơn nắng sớm ngoài kia. Bà cụ Quảng-Nam thấy tim mình đập dồn-dập hẳn lên, vì mường-tượng đã trông thấy những chi-tiết nầy ở đâu rồi thì phải. Ừ, sao trông quen thuộc quá! Cảnh-vật mờ-ảo như trong một cơn mơ ... Đôi mắt bà mơ-màng ... quên cả nói chuyện và quên cả bà bạn già đang kiên-nhẫn ngồi bên cạnh!

Qua hình ảnh bầu trời màu xanh, những cánh bướm chập-chờn, bông hoa vàng óng-ả, gió thổi dìu-dịu, màu nắng dòn rụm ngạt-ngào, bà chợt trông thấy một cô gái miền Trung tóc xõa ngang vai, hàm răng hạt huyền cắn chỉ, đôi mắt e-ấp sau vành nón lá.

Sau lưng cô gái, bà nhìn thấy giòng sông Thu-Bồn lặng-lờ chảy, nhưng tại khúc nầy bà biết người ta lại gọi là sông Trừng Giang. Nước sông trong mát, có thể nhìn thấy những con cá nhỏ bơi lội tung-tăng dưới đáy.

Bên kia sông, ẩn-hiện sau bờ cây xanh, là Gò-Nổi, là Đông-Bàn, quê-hương của anh-hùng Phạm Phú Quốc, của Ngài Thượng-Thư Phạm Phú Thứ. Quê ngoại của cô đó. Mẹ của cô qua làm dâu làng Kỳ-Lam bên nầy sông.

Dường như bà cụ còn nghe tiếng còi vang lên lồng-lộng trong gió chiều khi những chuyến xe lửa về tới ga Kỳ-Lam, khói phun lên cuồn-cuộn.

Những đêm sáng trăng, sau một ngày đi coi gặt, cô gái thường cùng các chị em của mình và những người giúp việc xuống tắm khuya duới bến sông. Từ bầu trời trong vắt của một đêm trăng thanh-bình của miền Trung, ánh sáng tuôn rải xuống giòng sông tạo thành những lượn sóng lấp-lánh xô-đẩy nhau chạy mãi về bờ bên kia. Giòng sông lúc đó trông có vẻ bao-la hơn, choáng ngợp hơn.

Những buổi sáng, khi ánh nắng mai tràn ngập trên những khu vườn, những cánh đồng, và chiếu xuyên qua những tàu dừa, tàu cau tạo nên một màu xanh trong như ngọc thạch, lòng cô gái cảm thấy xôn-xao như màu nắng. Lòng cô cũng rộn-ràng theo những con bướm cải màu vàng bay lượn chấp-chới trên luống cải đã lên ngồng hay những vồng thuốc lá mà cậu em út của cô đã trồng.

Bà cụ thấy dường như đâu đây có mùi đất ẩm nồng-nàn, mùi cỏ ngai-ngái và hương cau vương-vất trong gió.
Sau nầy, khi đã lấy chồng và có con rồi, mà vẫn có thời-kỳ cô và các con sống cùng với ông bà ngoại của chúng. Quả đúng như câu nói, "Tam đại đồng đường," của người xưa.

Cũng cái nắng như thế nầy, cũng con bướm vàng bay lẩn-quẩn như vậy, cũng ngọn gió đùa nhè-nhẹ ... mà bà không ngờ đã mấy chục năm qua rồi. Mau quá! Ai có thể nghĩ được người con gái thời thanh-xuân ở xã Kỳ-Châu của vùng quê miền Trung ngày đó mà lại là bà cụ già hom-hem đang sống đơn-độc tại một viện dưỡng-lão trên đất Mỹ ngày hôm nay. Phải, bà cụ chính là người thiếu-nữ  ấy của mấy chục năm về trước. Mọi việc đã thay đổi hết! Không còn như xưa nữa! Ngày nào cha mẹ con cái còn sống chung với nhau, và được người đời cho là có Phước, thì bây giờ quan-niệm đó có lẽ đã lỗi-thời rồi chăng? Lúc trẻ bà thường nghe ông ngoại sắp nhỏ hay ngâm-nga và giảng-giải,

Tiền bất kiến cổ-nhân,
Hậu bất kiến lai giả,
Niệm thiên địa chi du-du,
Độc sảng nhiên nhi thế há. (2)

Bây giờ thân-phận của bà quả đúng như thế thật! Bất-giác bà đưa tay lên gạt giọt nước mắt mới lăn dài xuống má.

Nãy giờ bà cụ, mẹ của ông Văn, cũng ngồi yên-lặng. Đến khi thấy bà bạn người Quảng-Nam của mình khóc thì bà không đừng được nữa nên đưa tay vỗ-vỗ vào lưng của bà ấy và an-ủi, "Thôi, bà cũng đừng buồn quá!" mặc dầu không biết bạn mình buồn về chuyện chi.

Vừa lúc đó, có tiếng cô y-tá gọi tên hai bà và đưa vào phòng ăn trưa.

Chống gậy đi theo cô y-tá mà bà cụ người Trung cảm thấy hơi ngầy-ngật, có lẽ vì bà vừa mới bị đánh thức dậy từ một giấc mộng đẹp.

Còn bà mẹ của ông Văn thì vừa đi vừa lẩm-bẩm, "Thằng Văn đi đâu mất biệt mấy tuần nay không thấy mặt? Không biết nó có lo cho mấy đứa nhỏ ăn uống đầy đủ không nữa ? Nhà cứ bỏ đi suốt, không lo khóa cửa, để ăn trộm vô dọn mất có ngày!"

Vậy đó. Bà mẹ Việt-Nam đó. Lo cho con cái cho đến ngày xuống lỗ mà vẫn còn lo, dù rằng con cái đã có vợ có chồng hết cả rồi. Không biết con cái Việt-Nam ngày nay có lo được cho cha mẹ, dù chỉ một phần ngàn như thế, hay không?






(Tất-cả nhân-vật và tình-tiết trong truyện đều là sản-phẩm của tưởng-tượng.)



(1) nhuộm.
(2) Người xưa trước chẳng thấy đâu,
Trông lui bóng dáng người sau mịt-mùng,
Ngẫm xem trời đất vô-cùng,
Một mình đau-xót đôi giòng lệ rơi.

(Bản dịch của Giáo-sư Nguyễn-Khuê)

No comments: